Bảo tồn xòe Thái

09:32 - Thứ Ba, 24/01/2023 Lượt xem: 6370 In bài viết

ĐBP - Nằm ở cực Tây Tổ quốc, Điện Biên được biết tới là miền đất có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, với bề dày truyền thống, người Thái vẫn còn giữ được nhiều loại hình văn hóa, lời ca tiếng hát, các trò chơi dân gian độc đáo... Trong đó, nghệ thuật xòe đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, phong tục tập quán của người Thái; nó là sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện hồn cốt dân tộc, được người Thái gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Phụ nữ Thái bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) trình diễn điệu múa xòe truyền thống.

“Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”, câu dân ca như khẳng định thêm vị trí của xòe trong đời sống đồng bào Thái. Xòe Thái với ý nghĩa là “múa Thái” được cộng đồng người Thái gọi theo nhiều cách khác nhau: Xé, xòe, múa xòe, múa then... Chủ thể thực hành xòe Thái gồm cả người Thái trắng và Thái đen. Trải qua thời gian, đồng bào Thái đã không ngừng xây dựng và phát triển nghệ thuật xòe đa dạng, đặc sắc về giá trị văn hóa truyền thống. Xòe trở thành biểu tượng của tình yêu, tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo của con người trong sinh hoạt thường ngày. Xòe được thực hành trong nhiều không gian và thời gian khác nhau, trong các lễ hội của cộng đồng: Xên mường, xên bản (lễ cúng mường, cúng bản), hội hạn khuống, lễ tạ ơn, cầu mưa, xuống đồng hay trong những tiệc vui như đám cưới, lễ mừng nhà mới… Tại tỉnh Điện Biên hiện nay, xòe Thái hiện hữu ở nhiều không gian văn hóa khác nhau: Liên hoan văn nghệ của cộng đồng, sự kiện văn hóa, lễ hội...

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.150 đội văn nghệ, đặc biệt ở mỗi bản dân tộc Thái đều có đội xòe. Bà Bạc Thị Mỹ (80 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo, người am hiểu về điệu xòe Thái chia sẻ: Điệu xòe của dân tộc Thái đã có từ lâu đời; từ khi sinh ra, người Thái đã lớn lên cùng với điệu xòe. Xòe giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay có nhiều điệu xòe: Xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe chọi gà (xe to cáy), xòe nến; ngoài ra còn một số điệu xòe như: xòe nhạc, xòe tính tẩu, xòe trống, xòe chai, xòe ném còn, xòe thắt đai lưng, xòe hoa, xòe nhảy sạp… Nhạc cụ đệm cho xòe khá phong phú bao gồm: Trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, đàn tính, khèn bè, chũm chọe, thanh la, mõ (tằng bẳng).

Cũng theo bà Bạc Thị Mỹ, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ xòe, bà đã xây dựng đội múa của bản với hơn 40 thành viên. Đều đặn các tối từ thứ 7, chị em lại tập trung tại nhà văn hóa bản để trao đổi, nghiên cứu, sưu tầm các điệu xòe cổ và tập những điệu xòe mới; từ đó góp phần gìn giữ và bảo tồn các điệu xòe.

Trong tiếng nhạc rộn ràng, không chỉ phụ nữ trung tuổi mà nhiều thiếu nữ với những bước chân uyển chuyển, mềm mại trong điệu múa xòe. Bạn Vi Thị Hoa, đội múa bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên chia sẻ: “Ngoài thường xuyên tập luyện, em cũng lắng nghe, tìm hiểu thêm về các điệu xòe cổ từ các bà, các chị; tìm hiểu kĩ hơn về ý nghĩa của các điệu xòe để biểu diễn, giới thiệu được nguyên bản; cũng như phát triển các điệu xòe mang tính nghệ thuật cao hơn, nhưng không pha tạp với văn hóa các dân tộc khác”.

Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 15/12/2021). Để bảo tồn, lan tỏa giá trị nghệ thuật xòe Thái, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 2876/KH-UBND về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, đề ra mục tiêu cụ thể là thí điểm thành lập 10 mô hình câu lạc bộ thực hành “Nghệ thuật xòe Thái” tại các huyện, thị xã, thành phố nắm giữ di sản. Nghiên cứu, hỗ trợ để các di sản văn hóa trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân trao truyền, hướng dẫn thực hành nghệ thuật xòe cho thế hệ kế cận. Tại các địa bàn đang nắm giữ di sản, thành lập các đội văn nghệ, đội xòe, câu lạc bộ xòe, tạo không gian giao lưu, gặp gỡ; tổ chức các hội thi, hội diễn, giao lưu giữa các đội văn nghệ, tăng tính đoàn kết, gắn bó cộng đồng nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật xòe Thái. Đặc biệt, đến năm 2025 tỉnh ta đưa nghệ thuật xòe Thái vào tài liệu giáo dục địa phương; tổ chức trải nghiệm, thực hành di sản nghệ thuật xòe tại các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong các buổi học âm nhạc, tự chọn, sinh hoạt tập thể…

Với phương châm “biến di sản thành tài sản phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, tỉnh Điện Biên đã khai thác, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của xòe Thái trong phát triển du lịch, xây dựng thành sản phẩm văn hóa đặc sắc trong du lịch cộng đồng. Các hoạt động biểu diễn điệu xòe Thái đã mang lại cho du khách sự trải nghiệm thích thú, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa vùng miền. Đây cũng là hướng đi giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ di sản của cộng đồng dân cư với vai trò là chủ nhân của tài nguyên du lịch nhân văn xòe Thái.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top