ĐBP - Tết là thời điểm kết thúc năm cũ, đón chào năm mới. Với những người ở nông thôn miền Bắc đã trải qua thời gian, năm tháng khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc thì trong tâm trí mỗi người ngày Tết mãi là những kỷ niệm khó phai mờ.
Từ đầu tháng Chạp, nhiều nhà đã lo chuẩn bị Tết. Nhưng không khí Tết ở quê bắt đầu rầm rộ nhất từ ngày 23 tháng Chạp - ngày cúng ông Công ông Táo. Mọi nhà, mọi người ai nấy đều chạy đôn chạy đáo lo sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Từ trong nhà, ngoài sân, hiên nhà đến gian bếp, chỗ nào cũng “sặc mùi” Tết. Nào là gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, măng khô, cam, bưởi, chuối xanh... Ai cũng thấy tất bật, bận rộn hơn nhiều so với ngày thường. Nam giới chưa quét mạng nhện nhà xong, phụ nữ đã giục đi chẻ lạt chuẩn bị gói bánh chưng. Ngược lại phụ nữ chưa làm dưa hành xong, nam giới đã bảo nhanh đi rửa lá dong, đãi gạo nếp. Tết càng đến gần không khí chuẩn bị. Tết càng khẩn trương, mau lẹ. Sôi động nhất là vào độ ngày 27, 28 tháng Chạp. Có nhà đã bắt đầu mổ lợn ăn đậu, nhà gói bánh chưng, bánh tẻ. Những nhà nào ăn đậu sẽ cử người tham gia cùng mổ lợn, chia thịt từ sáng sớm tinh mơ. Rồi luân phiên gói bánh chưng cho từng nhà. Mọi người vừa làm vừa trò chuyện, tiếng nói cười rôm rả vang dậy cả vùng quê. Việc đun nấu bánh chưng có lẽ là câu chuyện “gian nan”, mất thời gian nhất trong dịp Tết. Bởi để có nồi bánh chưng xanh, dền, ngon phải ninh bánh trong vòng 9 - 10 giờ liên tục. Thời kỳ đó bếp điện chưa có và rất ít nhà có bếp than. Nên chủ yếu ninh bánh chưng bằng bếp củi. Do vậy luôn phải có người túc trực. Ban ngày bận bịu trăm công nghìn việc nên nhà tôi thường ninh bánh chưng vào ban đêm. Nếu người trực sơ ý, ngủ gật hoặc để cạn nước cháy nồi là bánh sẽ hỏng, mất Tết như chơi.
Còn nhớ nhà tôi để nấu hoàn thành được nồi bánh chưng hôm sau bố tôi thường mệt lả. Ông nằm nghỉ chưa được bao lâu thì mẹ tôi đã giục: “Ông dậy đi tảo mộ, mời các cụ về ăn Tết, kẻo người ta mời hết cả rồi”. Bố tôi vội choàng dậy cầm bó hương to, đạp xe đi trong tiết trời âm u, mưa lất phất. Và điều đó đã báo hiệu Tết đến rất gần, chỉ tính bằng giờ, bằng phút nữa thôi. Rồi đêm giao thừa cũng đến, tiếng pháo nổ vang giòn khắp xóm cùng mùi thơm đặc trưng của thuốc pháo, giấy đỏ bay tung tóe khắp nhà. Trên ban thờ khói hương nghi ngút. Chiếc đài cát - sét trên mặt tủ vang lên lời chúc Tết của Chủ tịch nước…
Đối với lũ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ mong Tết đến vô cùng. Đôi lúc lũ trẻ chúng tôi còn tự nhủ, ao ước: Giá như một năm có hai cái Tết có tốt hơn không! Bởi Tết đến, lũ chúng tôi không chỉ được nghỉ học, được ăn ngon, mặc đẹp, nô đùa thỏa thích mà còn được nhận lì xì, những đồng tiền lẻ mới cóng từ người lớn tuổi là ông bà, cô, dì, chú, bác, anh em nội ngoại. Ngày thường chẳng có gì mà ăn sao Tết lại có nhiều thứ thế không biết. Nên chúng tôi chỉ muốn Tết ở lại thật lâu.
Tết đến trong tiết trời se lạnh đầu xuân, đường làng đông nghịt người đi qua đi lại chúc Tết anh em, nội ngoại. Gặp nhau ai cũng vui vẻ, rạng ngời, tươi cười thăm hỏi và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, khiến Tết quê in đậm mãi trong tôi.