ĐBP - Năm 2022 là năm thành công với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khi đón trên 227.000 lượt khách tham quan, vượt chỉ tiêu tới 170%. Ngoài các công tác khác, việc bảo quản hiện vật tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng đã góp phần không nhỏ vào thành công này. Nhiệm vụ âm thầm, lặng lẽ ở “hậu trường” này đã chăm sóc, giữ cho hiện vật sống mãi với thời gian. Từ đó, đưa đến công chúng những góc nhìn chân thực, hào hừng nhất về trận chiến oanh liệt năm xưa...
Tiếp chúng tôi trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhiệt tình chia sẻ về nhiệm vụ mà bà gọi là “phía sau hậu trường” của đơn vị mình. Bà Nga tâm sự: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bảo tàng chuyên đề với các hiện vật liên quan đến chiến thắng lịch sử của quân và dân ta 69 năm trước trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Mặc dù công tác nghiên cứu, sưu tầm vẫn thực hiện thường xuyên nhưng với tính chất đặc thù, các hiện vật liên quan tới sự kiện ngày càng ít đi theo thời gian. Bởi vậy, cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị xác định những hiện vật đang lưu giữ đều hết sức có giá trị, phải làm thế nào để bảo quản, giữ gìn một cách tốt nhất cho cả hôm nay và mai sau…
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang lưu giữ gần 5.000 hiện vật gốc liên quan tới chiến thắng Điện Biên Phủ là quân tư trang, vũ khí, vật dụng… của 2 bên tham chiến. Các hiện vật gồm 9 loại chất liệu khác nhau, như: Kim loại, gỗ, giấy, thủy tinh, vải... Do điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí còn nhiều khó khăn nên các hiện vật được lưu giữ trong kho, có điều hòa để duy trì độ ẩm, nhiệt độ ở mức an toàn. Công tác bảo quản sẽ bao gồm quá trình bảo quản phòng ngừa là các biện pháp được sử dụng để ngăn ngừa tối đa quá trình hủy hoại tự nhiên của hiện vật và tác động hủy hoại hiện vật do thiên nhiên hoặc con người gây ra. Còn bảo quản trị liệu tập trung các biện pháp khoa học và kỹ thuật được sử dụng để loại trừ nguyên nhân gây hại và ổn định tình trạng hiện vật. Thực hiện tốt các phương pháp bảo quản sẽ giúp chăm sóc tốt các hiện vật, giữ nguyên hiện trạng, kéo dài tuổi thọ...
“Bảo tàng xây dựng kế hoạch bảo quản hiện vật cụ thể, chi tiết theo từng năm, theo từng loại chất liệu. Trong đó, công tác bảo quản phòng ngừa được 2 cán bộ thực hiện thường xuyên. Còn với bảo quản trị liệu, do khó khăn về kinh phí nên mỗi năm Bảo tàng lựa chọn một loại chất liệu để tiến hành bảo quản. Ngoài ra, hiện nay, Bảo tàng còn trên 100 hiện vật thể khối lớn, như: Xác xe tăng, máy bay, pháo... cũng phải 2 - 3 năm mới có thể tiến hành bảo quản một lần.” - bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết thêm.
Để mục sở thị công việc không kém phần vất vả này, chúng tôi cùng bà Nguyễn Thị Thủy, Phó phòng Nghiệp vụ, phụ trách bộ phận kiểm kê, bảo quản xuống trực tiếp kho cơ sở lưu giữ các hiện vật bằng kim loại tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tại đây, rất nhiều hiện vật gốc về trận chiến được cất giữ, như: Vũ khí, trang thiết bị... Hiện vật được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng trên từng giá, kệ theo từng loại khác nhau. Bà Nguyễn Thị Thủy chia sẻ: “Cán bộ phụ trách nhiệm vụ bảo quản phải kiểm tra kho thường xuyên. Trong đó chú ý đến việc giữ môi trường thông thoáng, nhiệt độ, ánh sáng đảm bảo ổn định. Đồng thời, kiểm kê đánh giá những hiện vật nào có nguy cơ hư hại để đưa vào bảo quản trị liệu...”.
Theo bà Thủy cho biết, năm 2022, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tiến hành bảo quản trị liệu hiện vật chất liệu vải. Trong thời gian gần 1 tháng, Bảo tàng phối hợp với các chuyên gia bảo quản chuyên ngành công nghệ hóa học thuộc Công ty TNHH Eco Tribe Việt Nam tiến hành nhiệm vụ này. Đơn vị đã tiến hành bảo quản trị liệu đối với 313 hiện vật chất liệu vải tại kho cơ sở với các quy trình, như: Chụp ảnh hiện vật trước khi bảo quản; vệ sinh khô, vệ sinh ướt; làm phẳng, chống phai màu cho hiện vật vải nhuộm bằng phương pháp hơi nhiệt; tu sửa, gia cố các chỗ rách, đứt chỉ của hiện vật; xử lý chống nấm mốc và côn trùng trên hiện vật; sử dụng các phương pháp và hóa chất theo sự hướng dẫn của chuyên gia bảo quản... Trong quá trình bảo quản trị liệu, các chuyên gia bảo quản cùng viên chức chuyên môn của đơn vị luôn đảm bảo các nguyên tắc, quy trình xử lý hiện vật từ khâu bảo quản sơ bộ đến khâu bảo quản hóa chất, áp dụng phương pháp bảo quản phù hợp với từng loại chất liệu hiện vật. Nhờ vậy, quá trình bảo quản luôn đảm bảo được tính khoa học và tính nguyên trạng của từng hiện vật.
Cũng trong năm 2022, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đưa vào phục vụ du khách thêm một sản phẩm đặc sắc là bức tranh panorama tái hiện trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa. Tuy đây không phải là hiện vật từ quá khứ thế nhưng công tác bảo quản, giữ gìn kiệt tác này cho thế hệ mai sau cũng không kém phần quan trọng. Bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết: “Bức tranh panorama là tác phẩm nghệ thuật sơn dầu vẽ trên nền vải toan. Vậy nên quy trình bảo quản, giữ nguyên hiện trạng tác phẩm cũng hết sức phức tạp. Hiện nay, Bảo tàng đang xây dựng phương án để có thể bảo quản tốt nhất bức tranh. Dự kiến cũng sẽ phải mời chính nhóm họa sĩ vẽ tác phẩm và các chuyên gia lên để tiến hành công tác bảo quản. Không chỉ vậy, việc bảo quản dự kiến sẽ tiến hành vào thời điểm tháng 7 hoặc tháng 8 - thời điểm Tây Bắc bước vào mùa mưa, lượng khách sẽ ít hơn...”.
Mỗi năm, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đều nghiên cứu, xây dựng đề cương trưng bày hiện vật hợp lý. Và mỗi hiện vật được bảo quản tốt chính là “linh hồn” để cho những phương án trưng bày ấy thêm phần sinh động, phục vụ tốt nhất cho công chúng tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.