Tản văn

Yêu lắm tháng Giêng

08:22 - Thứ Bảy, 04/02/2023 Lượt xem: 5007 In bài viết

ĐBP - Người Việt Nam, tính tháng đầu và tháng cuối của năm âm lịch là không đặt tên theo số thứ tự mà gọi tháng đầu của năm là tháng Giêng và tháng cuối là tháng Chạp. Nếu như tháng Chạp đến trong khí trời rét mướt với bao nỗi lo toan, cùng niềm hân hoan đợi chờ năm mới thì tháng Giêng lại về trong làn hương ấm áp của chồi non, lộc biếc, với rực rỡ sắc hoa cùng nhiều lễ hội, tạo nên sự phấn chấn trong lòng người.

Cuối Chạp, khi làn gió heo may mang theo mùi hương trầm thoang thoảng và ấm áp, cùng với hương đồng cỏ nội thì tháng Giêng lại non tơ, đỏng đảnh, mưa, nắng thất thường, khiến cho cỏ cây, hoa lá, bừng tỉnh giữa trời đất tinh khôi. Thời tiết tháng Giêng cũng thật lạ, cái ấm, cái lạnh giao thoa tạo nên một tháng Giêng tình tứ, dễ mến, dễ thương, chộn rộn cùng với những ngày lễ, hội, tạo nên một tháng Giêng đầy tính tâm linh huyền bí. Trong làn mưa xuân nhè nhẹ, choàng lên đất trời một màu trắng xóa thì ta lắng lòng, thầm nghe những bước chân khẽ khàng của tháng Giêng đang di chuyển. Tháng Giêng dịu dàng, duyên dáng như một thiếu nữ đương độ dậy thì, có chút gì đó bâng khuâng, mơ màng, nồng nàn của tuổi chớm yêu. Cái nắng của tháng Giêng thật dịu êm, bởi nó là cái nắng của mùa xuân, mát xanh bóng lá, cùng ngan ngát hương hoa, hòa trong tiếng hót của muôn loài chim đón chào mùa xuân đến. Tháng Giêng căng lên tràn đầy sức sống, con tim hình như nhịp đập cũng vội vàng hơn. Những cặp mắt nhìn nhau cũng chứa chan niềm yêu thương, trìu mến, khiến ta càng thêm tin yêu cuộc sống.

Tháng Giêng mà không có mưa xuân bay lất phất, không có những đợt rét nhẹ nhàng thì sao gọi là tháng Giêng. Đối với dân tộc Việt Nam, tháng Giêng còn có thêm Tết Nguyên tiêu. Dù thời tiết có biến đổi như thế nào đi chăng nữa thì vào ngày ấy, lòng người vẫn luôn ấm áp, người ta, không ai bảo ai mà đoàn người vẫn nối dài đi lễ chùa, cầu mong cho quốc thái, dân an, mong sẽ có một năm mưa thuận, gió hòa, gia đình an lành, hạnh phúc. Ai cũng yêu thích tháng Giêng, bởi là tháng khởi đầu của một năm, còn đời người bắt đầu từ lúc mới sinh, mà tháng Giêng lại là tháng đầu tiên của mùa xuân nên người ta càng yêu hơn.

Tháng Giêng cũng là mùa của lễ phật, lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Người sống và người đã chết, trong cõi tâm linh như ngầm hiểu thấu lòng nhau. Hai thế giới âm và dương đều tôn thờ cái đẹp, cái đạo lý làm người, để bảo ban, dạy dỗ con cháu và thế hệ mai sau hãy hướng tới chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Đừng thấy giàu mà tham, đừng thấy sang mà bỏ nghĩa, đừng vì sợ mất cái lợi riêng mà làm hại người khác. Rằm tháng Giêng còn có một ý nghĩa hết sức đặc biệt đó là “Ngày Thơ Việt Nam”. Một ngày hội, ấm tình non sông, đất nước, thông qua những vần thơ mang đậm nét văn hóa cội nguồn, chuyển tải hồn thơ dân tộc cho mọi thế hệ mai sau. Ngày Thơ Nguyên tiêu Việt Nam không giống như các ngày lễ hội khác, không yến tiệc linh đình, không quá long trọng mà trầm tĩnh và sâu lắng, rộn ràng mà gần gũi, giọng thơ được ngân lên từ những trái tim của con Lạc, cháu Hồng. Tháng Giêng, về với mùa lễ hội, con người sẽ gạt bỏ hết những lo toan, phiền muộn, mọi oán trách, giận hờn, chỉ còn lại sự yêu thương và quý trọng nhau hơn, để sống một cuộc sống an lạc, hạnh phúc, yên vui, hòa mình vào trong nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hoàng Bích Hà
Bình luận

Tin khác

Back To Top