Đến với bài thơ hay

Có một lần

07:08 - Chủ Nhật, 05/02/2023 Lượt xem: 4672 In bài viết

Có một lần ta dừng lại ngã ba sông

Sông chỉ ngã ba sao nghe lòng muôn ngã

Tăm cá sủi bóng đàn mây vội vã

Chim lật đật bay từ con nước chớm ròng

 

Có một lần ta dừng lại ngã ba sông

Lục bình nở hoa chi cho chiều thêm lặng lẽ

Em xa lắm

Em trở thành cuối bể

Ta sóng vỗ bờ quay quắt nỗi chờ mong

 

Có một lần ta dừng lại ngã ba sông

Gió thổi mượt tận góc trời Tây Bắc

Ta chẳng biết nhớ gì trong hiu hắt

Có một ngã ba trôi lâu lắm nước trong lòng...

Nguyễn Bình Yên

Đọc “Có một lần” của Nguyễn Bình Yên

Nguyễn Bình Yên là người làm thơ lâu năm ở tỉnh Đồng Tháp, có tác phẩm đăng rải rác trên báo chí từ trước năm 1975. Lần đầu tiên biết đến cái tên Nguyễn Bình Yên, tôi mường tượng chắc đây là người... hiền lắm, vì tên Bình Yên mà! Ngoài đời chưa biết thế nào, nhưng trong thơ quả là... hiền thật! Câu chữ mộc mạc, giản đơn mà sâu sắc. Hình ảnh thơ rất thân thuộc với người miền sông như lục bình, nước ròng, gió đồng, mùi phèn, khói rơm... nhưng ẩn hiện sau chúng là tình cảm sâu đậm và tâm tư đau đáu của người viết.

Bài thơ Có một lần là một trong những tác phẩm mang nặng nỗi niềm u ẩn như thế.

Mở đầu bài thơ tác giả viết: “Có một lần ta dừng lại ngã ba sông // Sông chỉ ngã ba sao nghe lòng muôn ngã”.

Xuất hiện đầu tiên là “có một lần”. Chỉ một lần bất chợt dừng lại ở ngã ba sông thôi sao? Ngã ba sông đối với người dân châu thổ phương Nam đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Đó là chốn tụ hội của những dòng nước chở phù sa tăm tắp, cũng là nơi gặp gỡ của những con người kiêu bạc. Đôi lần, những con sóng ì oạp vỗ vào bờ cũng cùng lúc vỗ vào trái tim ta bao rung cảm, thương nhớ mông lung. Ở đây, có lẽ không phải tác giả một lần bất chợt ghé lại, mà khi con người đã dừng đôi chân phiêu lãng và nhìn lại chốn xưa, tâm hồn dường như bỗng trẻ ra cùng với bao kỷ niệm chảy tràn theo những nhánh sông, để rồi cảm nhận mình cứ như bất chợt hiện hữu ở ngã ba này. Sông chỉ ngã ba, nhưng với người hơn nửa đời nổi trôi, một lần trở về với ngã ba bình yên ấy, cảm thấy lòng mình như rộng hơn và sâu hơn. Không gian “ngã ba” lúc này thật chật hẹp, không đủ chứa những xúc cảm của tâm hồn. Trước cái mênh mông của sông nước, lòng người làm sao không đau đáu những niềm riêng.

“Tăm cá sủi bóng đàn mây vội vã

Chim lật đật bay từ con nước chớm ròng”

Tăm cá sủi trên mặt sông, sủi trên bóng mây in lên mặt nước, nhưng tăm cá sủi một cách “vội vã”, hay là tâm hồn người viết đang nôn nao trước hình ảnh quê nhà vừa hiện lên chân thực. Đâu đó bên sông, những đàn chim vô danh đến rồi đi bất chợt, để lại trong lòng người bao xao xuyến. Tác giả sử dụng cụm từ “lật đật bay” đặt vào câu hết sức “đúng điệu”, tạo nên không gian mang tính hoạt động và bất ngờ, như một chú chim nào đó giật mình vì con nước vừa rút xuống để rồi cất cao đôi cánh bay nhanh. Hình ảnh động ấy kết hợp với hình ảnh tĩnh là “con nước chớm ròng” tạo nên sự thu hút cho người đọc.

Ở đoạn tiếp cũng là: “Có một lần ta dừng lại ngã ba sông”, nhưng lần này không phải cảm xúc trước khung cảnh quê nhà nữa, mà là nỗi niềm trăn trở: “Lục bình nở hoa chi cho chiều thêm lặng lẽ”. Một dấu hỏi. Lục bình phải nở hoa, đó là lẽ tất nhiên. Nhưng Nguyễn Bình Yên vô tình “trách” lục bình nở hoa làm chi để buổi chiều vốn đã lặng lẽ lại càng u buồn tịch mịch hơn. Nào phải lục bình nở hoa tím cả bờ sông đã làm buồn thêm cảnh chiều, mà do lòng người có nhiều ưu tư, bởi thế màu tím của hoa lục bình và màu buồn của không gian hòa cùng thời điểm chiều buông khiến ngã ba sông trở nên lặng lẽ. Và nỗi niềm hiện lên ở những câu kế tiếp: “Em xa lắm // Em trở thành cuối bể // Ta sóng vỗ bờ quay quắt nỗi chờ mong”.

À, thì ra không phải nhà thơ buồn vì cảnh vật, mà buồn vì con người. Người con gái ngày xưa đã xa xôi lắm rồi, làm cho người ở lại nhớ nhung ngậm ngùi trước buổi chiều ngã ba sông, ví mình như ngọn sóng “quay quắt nỗi chờ mong”. Đại dương mênh mông xa tít, em khuất mãi ở bến bờ nào để “trở thành cuối bể”, còn ta vẫn là con sóng nhỏ lăn tăn cứ muốn hướng về bờ, nhưng nào có được. Giá như lục bình đừng nở hoa để buổi chiều cứ chậm dần trôi vào hư không, để con người khỏi phải buồn vì “chiều thêm lặng lẽ”. Giá như em đừng xa ta, hình bóng em đừng tan mất, để ta khỏi phải sống trong những tháng ngày đợi chờ quay quắt, khỏi làm con sóng vô tri. Giá như...

“Có một lần ta dừng lại ngã ba sông

Gió thổi mượt tận góc trời Tây Bắc

Ta chẳng biết nhớ gì trong hiu hắt

Có một ngã ba trôi lâu lắm nước trong lòng...”

Một lần dừng lại ở ngã ba sông cảm giác như ngọn gió đồng bằng xanh thẳm mang hơi hướm tình yêu thổi về chốn cao nguyên vời vợi. Gió đó là gió “mượt”, mượt mà như tóc em con gái, làm tác giả phải tự thốt lên: “Ta chẳng biết nhớ gì trong hiu hắt”. Giữa khung cảnh một chiều ngã ba sông, vài hoa lục bình tím buồn, vài chú chim nhớn nhác, mặt sông khẽ lay động với sóng và tăm cá sủi… thì cái hiu hắt cứ chùng chình như muốn khuấy sâu vào tâm trạng con người, đến nỗi chính người viết - người mang nhiều tâm trạng nhất cũng chẳng biết mình đang nhớ gì. Hiu hắt quá! Đơn côi quá! Song, dù cho chiều có buông, em có xa khuất, thậm chí ta chẳng còn biết mình nhớ gì nữa, thì ta vẫn có một ngã ba âm ỉ trôi mãi trong lòng...

Có lẽ Nguyễn Bình Yên mang nặng “nợ” với cuộc đời, do đó ở mỗi câu thơ chúng ta đều bắt gặp sự hoài niệm, ưu tư, nhưng cũng đầy chân thật. Là người sông nước, tác giả viết bằng sự rung cảm tự nhiên và đằm thắm tựa hồ sương khói. Dẫu vậy, hạn chế của bài thơ là còn mang tính ngôn thoại, một số hình ảnh và từ ngữ chưa có sự sáng tạo cao. Ngôn ngữ bình dị không có quá nhiều sự gọt giũa và trau chuốt, mặc dù chưa có sự phát triển về độ mới, nhưng lại nổi bật ở sự kết hợp ngôn từ hài hòa, tạo nên nét độc đáo riêng. Nguyễn Bình Yên mang những hoài niệm chất chồng thành lớp lang cho thơ, vừa là tâm sự riêng của tác giả, lại vừa như gửi gắm khối tình mênh mang cho người đọc.

Vĩnh Thông
Bình luận
Back To Top