Du xuân vùng cao

07:12 - Chủ Nhật, 05/02/2023 Lượt xem: 5639 In bài viết

ĐBP - Những tia nắng ấm áp của mùa xuân xua đi cái giá lạnh mùa đông, thổi bừng sức sống khắp rẻo cao. Mùa xuân - mùa của lễ hội, các thôn, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh bước vào mùa lễ hội rộn ràng, thu hút đông đảo người dân các dân tộc và du khách du xuân, trẩy hội.

Toàn cảnh khu vực thi đấu chọi bò - một nội dung trong hội xuân 2023 huyện Điện Biên Đông.

Người dân vùng cao đón xuân trong vẻ đẹp khác biệt của thiên nhiên, con người. Khác với mùa xuân ở phố thị với ánh đèn rực rỡ, xuân vùng cao cuốn hút trong khói mờ sương tỏa, rực thắm hoa đào, màu trắng tinh khiết của hoa lê, hoa mận trên khắp các nẻo đường xen lẫn là sắc áo thổ cẩm.

Sau những ngày đón tết cổ truyền đầm ấm, sum vầy bên gia đình, khi các địa phương khai xuân cũng là lúc đồng bào các dân tộc ở nhiều thôn bản vùng cao dựng cờ khai hội.

Sáng mùng 2 tết Nguyên đán, tại sân vận động thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) diễn ra hội xuân Quý Mão năm 2023. Trong tiếng trống khai hội, các chàng trai, cô gái khoác trên mình bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu từ khắp các ngả tụ họp về vui hội; du khách thập phương cũng nô nức du xuân, trẩy hội. Hội xuân năm nay tại huyện Điện Biên Đông có nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm nét văn hóa địa phương, như: Thi trình diễn trang phục dân tộc, biểu diễn khèn Mông, gói bánh chưng, giã bánh giầy; không gian trưng bày nét văn hóa các dân tộc; không gian chụp ảnh lưu niệm của du khách; giao lưu ca, múa, nhạc, dân ca, dân vũ; hội chọi bò; giao lưu các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian... Đây là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên mừng Đảng, mừng Xuân, nhằm tạo khí thế hứng khởi để cán bộ, nhân dân trên địa bàn bước vào một năm mới với nhiều mục tiêu mới, đồng thời giới thiệu, quảng bá mảnh đất và con người Điện Biên Đông đến với du khách gần xa.

Điện Biên Đông là địa phương phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc, nhất là đàn bò. Do đó, chọi bò là một nội dung trong hội xuân hàng năm. Qua nhiều năm tổ chức, chọi bò là điểm nhấn ấn tượng nhất và được người dân, du khách mong chờ nhất trong suốt chương trình lễ hội. 50 con bò chọi được các chủ bò lựa chọn từ hàng nghìn con bò trên địa bàn để thi đấu tại hội xuân. Trong tiếng trống hội dồn dập hòa với tiếng hò reo, cổ vũ không ngớt của hàng nghìn khán giả, từng cặp bò lực lưỡng vào sân chọi. Khán giả ngoài sân đấu chăm chú theo từng bước đi, nhịp chạy của cặp bò đấu; tiếng xuýt xoa vang lên từng đợt sau đòn đánh đẹp và những tràng pháo tay giòn giã khi trận đấu được phân chia thắng bại.

Anh Trần Văn Thực, người dân tỉnh Lai Châu cho biết: “Chọi trâu tôi đã được xem rất nhiều lần nhưng xem chọi bò thì đây là lần đầu tiên. Tôi rất hào hứng. Không khí vui xuân ở Điện Biên Đông cũng rất khác biệt, sôi động, rực rỡ sắc màu và cũng rất ấm áp tình người. Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao công tác tổ chức của UBND huyện Điện Biên Đông. Hội xuân được tổ chức quy củ, nhất là đã hướng cho du khách được trải nghiệm theo chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội”.

Sau 2 năm bị trì hoãn bởi dịch Covid-19, hội xuân huyện Điện Biên Đông được tổ chức trở lại trong sự háo hức, chờ đón của người dân trên địa bàn. Do đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ từ rất sớm. Tất cả các nội dung trong hội xuân đều được xây dựng kịch bản rõ ràng. Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội… nên hội xuân, thu hút hàng nghìn lượt người, được người dân, du khách đánh giá cao.

Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số, do đó hầu như xã nào cũng tổ chức hội xuân để người dân vui xuân với mong muốn một năm mới an lành, thành công. Từ ngày mùng 2 - 7 tết, các xã: Mường Báng, Sính Phình, Tả Phìn, Sín Chải, Trung Thu lần lượt khai hội. Hội xuân được tổ chức tại địa điểm rộng rãi như: Sân vận động, trên sườn đồi thoai thoải hoặc trên cánh đồng. Do tổ chức lệch ngày nhau nên người dân trên địa bàn huyện có thể tham gia đầy đủ hội xuân do các xã tổ chức.

Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức song hội xuân năm 2023 tại thôn Kể Cải (xã Mường Báng) được đánh giá là hội xuân cấp xã tổ chức quy mô nhất huyện Tủa Chùa. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Báng cho biết: Từ đầu tháng 10/2022, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa điểm để tổ chức hội xuân năm 2023. Qua khảo sát, đã lựa chọn thôn Kể Cải là địa điểm tổ chức. Xã đã vận động xã hội hóa để san gạt mặt bằng; các thôn bản tự xây dựng các gian hàng, sân khấu từ vật liệu tre, nứa. Trong gần 3 tháng, xã đã hoàn thành sân hội với diện tích 4.000m2 và hàng chục gian hàng. Sáng 4 tết, thôn Kể Cải cắm cờ khai hội.

Mùng 4 tết, hàng nghìn người trên địa bàn huyện Tủa Chùa và các xã lân cận như: Pú Nhung (huyện Tuần Giáo); Pa Ham, Nậm Nèn (huyện Mường Chà) nô nức đến thôn Kể Cải vui hội. Anh Giàng A Thái, thôn Kể Cải chia sẻ: “Với người Mông, còn cờ hội là còn vui xuân. Tham gia hội xuân là một trong những nét văn hóa gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần người dân tộc Mông. Năm nay là năm đầu tiên hội xuân tổ chức tại thôn với quy mô lớn, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia tạo khí thế đầu xuân, hy vọng khởi đầu một năm mới làm ăn mưa thuận, gió hòa”.

Du xuân vùng cao là truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao ở Điện Biên. Đây cũng là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người, tạo điểm nhấn thu hút phát triển du lịch địa phương.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top