Di sản tư liệu thế giới Ma Nhai sẽ được giới thiệu tại lễ hội Quán Thế Âm 19-2

15:35 - Thứ Năm, 09/02/2023 Lượt xem: 6384 In bài viết

Sau 2 năm chịu gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 8-3 (tức 17 tháng Hai âm lịch), Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 sẽ được mở trở lại tại Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Theo đó, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 là lễ hội dân gian truyền thống diễn ra vào dịp 19 tháng Hai âm lịch hằng năm, tại Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, với các yếu tố mang đậm dấu ấn tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật. Đồng thời, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống, tập tục cổ truyền tốt đẹp gắn với đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng đại diện cho bản sắc văn hóa Đà Nẵng được truyền qua bao đời.

Sự kiện còn là dịp để phật tử nói riêng và nhân dân cả nước nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người. Với những giá trị đặc sắc đó, năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm nay, Lễ hội Quán Thế Âm 19-2 diễn ra từ ngày 8 đến 10-3 (tức từ ngày 17 đến 19 tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Cụ thể, phần lễ hội gồm các nghi thức: Rước ánh sáng, khai kinh, lễ trai đàn chẩn tế, lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, trồng cây Bồ Đề Ấn Độ, biểu diễn thư pháp đại tự, công bố quyết định ghi danh Bảo vật quốc gia đối với tượng Quan Âm tống tử và bộ 8 tượng; diễn thuyết về Ma Nhai tại Ngũ Hành Sơn, vừa được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

Di sản tư liệu thế giới Ma Nhai tại núi Ngũ Hành Sơn được giới thiệu trong lễ hội.

Bên cạnh các nghi thức phần lễ, là các hoạt động phần hội mang đậm màu sắc cổ truyền, như: Lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát, hát bội, thi thư pháp - tranh thủy mặc, thả hoa đăng, đua thuyền, kéo co, bơi chải, thi nấu ăn chay, thi trang trí cổng trại, hát bài chòi, trình diễn thiền trà, triển lãm tượng đá và hội thi điêu khắc đá của làng đá mỹ nghệ Non Nước…, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm lễ hội của đồng bào theo đạo Phật, du khách thập phương; từng bước đưa lễ hội trở thành điểm đến văn hóa, du lịch tâm linh của thành phố Đà Nẵng.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top