Gìn giữ, phục dựng lễ hội văn hóa truyền thống

07:50 - Thứ Năm, 16/02/2023 Lượt xem: 5004 In bài viết

ĐBP - Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Bởi vậy, những năm qua, Điện Biên luôn chú trọng bảo tồn, khuyến khích đồng bào phục dựng, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc.

Đội văn nghệ bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên luyện tập điệu múa truyền thống.

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có 14 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong năm qua, Sở đã tham mưu để UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa 2 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Nghệ thuật trình diễn dân gian múa của người Lào huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và Nghề rèn của người Mông. Cùng với đó, Sở tiến hành kiểm kê, khai thác thông tin di sản văn hóa dân tộc Mông, ngành Mông đỏ trên địa bàn tỉnh; phục dựng Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông tại xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ; bảo tồn nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Cống, bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; phục dựng, bảo tồn Tết Mùa mưa (Dế Khù Chà) dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé và lễ Tra hạt (Do chi mo hrệ) của dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo.

Ông Đặng Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Để tổ chức bảo tồn, phục dựng lễ Tra hạt (Do chi mo hrệ) của dân tộc Khơ Mú đúng với truyền thống dân tộc, Bảo tàng tỉnh phối hợp với UBND huyện Tuần Giáo, UBND xã Mường Mùn và các tổ chức đoàn thể, nhân dân bản Huổi Lốt thống nhất về tên gọi, thời gian tổ chức phục dựng, nội dung, quy trình diễn ra lễ, các thành phần tham gia nghi lễ như: Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người am hiểu văn hóa, phong tục; tiến hành phân công nhiệm vụ để thực hiện các nội dung, chương trình: Văn nghệ, các nghi thức dân gian và chuẩn bị đồ cúng, đồ lễ, trang phục, lời khấn trong từng hoạt động được diễn ra tại buổi lễ theo đúng tiến trình”.

Lễ Tra hạt (Do chi mo hrệ) của dân tộc Khơ Mú tại xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo được tổ chức bảo tồn, phục dựng từ ngày 17 - 22/10/2022 theo đúng quy trình diễn ra lễ hội tại địa phương. Để thực hiện lễ cúng này, gia chủ phải chuẩn bị các đồ dâng lễ gồm: 1 con chó, 2 con gà trống lông đỏ, rượu, nước, chè, hoa quả, thuốc lá, một bó hương, hai nến sáp ong, hai gói xôi; 2 bộ quần áo truyền thống của dân tộc Khơ Mú (1 bộ nam, 1 bộ nữ), vải trắng và vải dệt thổ cẩm, khăn piêu, túi đeo...  và đặc biệt là hạt giống, có thể dùng hạt thóc hoặc ngô cùng vật dụng không thể thiếu là gậy chọc lỗ tra hạt. Đây là những lễ vật chính để dâng cúng trong nghi lễ, lễ vật càng to càng thể hiện quy mô của lễ hội cũng như sự sung túc của gia chủ.

“Tổ chức bảo tồn, phục dựng lễ Tra hạt (Do chi mo hrệ) của dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo đã thành công tốt đẹp. Về thời gian, không gian, quy trình, nghi thức và các hoạt động của lễ được diễn ra đúng với truyền thống và bản sắc dân tộc; được nhân dân đồng tình ủng hộ, tổ chức, diễn ra một cách tự nhiên, phản ánh đúng văn hóa truyền thống, đúng quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội dân gian; đồng thời việc tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, mang lại niềm vui tươi, phấn khởi, niềm tin lạc quan về tâm linh của cộng đồng dân tộc Khơ Mú nơi đây...” - ông Đặng Trọng Hà cho biết thêm.

Nghệ thuật múa của người Lào là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm dấu ấn bản địa, tính cộng đồng, văn hóa đặc trưng tộc người. Đồng thời đây còn là nơi tích hợp, bảo tồn các hình thức nghệ thuật dân gian truyền thống của người Lào: Nhạc cụ, dân ca, trang phục truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng... Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà cũng đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đó. Cùng với việc kiểm kê, đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở cũng đã lựa chọn các nghệ nhân dân tộc Lào đủ tiêu chí đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay tỉnh Điện Biên đã có 2 nghệ nhân dân tộc Lào, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đồng thời, Sở thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản tại cộng đồng thông qua ngày hội, lễ hội, hội thi, hội diễn của địa phương tổ chức.

Hàng năm, trong các hoạt động của Lễ hội Hoa Ban, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có phần trình diễn nghệ thuật múa của người Lào được nghệ nhân, chủ thể văn hóa trình diễn, thực hành. Ngoài ra, Sở còn tổ chức cho nghệ nhân người Lào tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tại một tỉnh thành trong cả nước, tham gia triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” trong khuôn khổ năm du lịch quốc gia tại tỉnh Quảng Nam năm 2022, trong đó trình diễn, giới thiệu, quảng bá lễ hội, trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa văn nghệ giữa cộng đồng dân tộc Lào tỉnh Điện Biên với các địa phương, vùng miền trong cả nước và du khách...

Các đội văn nghệ quần chúng tại các bản dân tộc Lào được thành lập để giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống. Hiện nay huyện Điện Biên có 7/9 bản đã lập đội văn nghệ; huyện Điện Biên Đông có 6/7 bản có đội văn nghệ… Không chỉ vậy, ngành còn tổ chức trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật về đời sống văn hóa nói chung, nghệ thuật múa của người Lào nói riêng tại Bảo tàng tỉnh và các gian hàng trưng bày trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tỉnh tổ chức bảo tồn Lễ hội Té nước (Bun Huột Nặm), Lễ Mừng cơm mới (Kin Khẩu Hó)... của người Lào. Bởi các lễ hội không chỉ thực hành nghi lễ mà còn các điệu múa truyền thống cũng được cộng đồng thể hiện...

Có thể thấy rằng, việc nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Qua đó, góp phần gìn giữ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong kho tàng văn hóa các dân tộc; đồng thời, từng bước “đánh thức” những nét văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn...

An Chi
Bình luận
Back To Top