Chiêm ngưỡng những bức ảnh xưa: Cơ hội từ số hóa

14:15 - Thứ Ba, 28/02/2023 Lượt xem: 5847 In bài viết

70.000 bức ảnh được chụp tại Việt Nam và nhiều nước châu Á từ đầu thế kỷ XX đến những năm 1980 vừa được giới thiệu rộng rãi. Những tư liệu quý được số hóa mang đến cho công chúng cơ hội tiếp cận nhiều hơn với di sản văn hóa.

 

Gần 70.000 bức ảnh tư liệu quý được cung cấp tại địa chỉ https://collection.efeo.fr.

Bộ ảnh quý

Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (ISSI) và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) vừa khai trương trang web chung giới thiệu tư liệu ảnh hồi đầu thế kỷ XX của hai cơ quan tại địa chỉ https://collection.efeo.fr. Tại đây, người xem được tiếp cận gần 70.000 bức ảnh chụp tại Việt Nam và nhiều nước châu Á từ đầu thế kỷ XX đến những năm 1980. Những bức ảnh có nội dung phong phú, thú vị, từ phong cảnh, vật dụng đến sinh hoạt cộng đồng, chân dung con người... Trong đó, chiếm phần lớn là ảnh về các di tích, các cuộc khai quật khảo cổ học, nghi lễ tôn giáo, hiện vật bảo tàng, những thành phần kiến trúc, tài liệu và ảnh chụp từ trên không. Những bức ảnh này có giá trị tư liệu rất cao, có thể phục vụ việc nghiên cứu văn hóa, phong tục... ở nhiều vùng miền. Kho ảnh này của EFEO được tạo nên từ đầu thế kỷ XX, tại Hà Nội, nhờ công của các nhà nghiên cứu, những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư và các cơ quan chính phủ, hoặc do du khách tặng. Tháng 9-1954, EFEO chuyển trụ sở chính từ Hà Nội vào Sài Gòn, một bản sao bộ sưu tập ảnh đã được gửi về Paris, nơi đặt trụ sở chính của EFEO vào năm 1961, hình thành kho tư liệu ảnh ở Paris. Hai kho tư liệu ảnh được lưu trữ tại Hà Nội và Paris do ISSI và EFEO quản lý, bổ sung cho nhau và không ngừng phát triển.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, dự án xây dựng thư viện số này được khởi xướng vào năm 2019, các bộ sưu tập ảnh được số hóa và chuẩn hóa dữ liệu, kèm theo ảnh là thông tin dữ liệu gốc nguyên bản. ISSI và EFEO đã hiệu đính dữ liệu gốc bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, cập nhật một số thông tin (tên địa danh), tạo từ khóa để làm công cụ tìm kiếm hiệu quả cũng như điều chỉnh định dạng nhập dữ liệu website đảm bảo tính thống nhất trong lưu trữ, tra cứu, liên kết và chia sẻ dữ liệu. Giao diện của trang web tư liệu ảnh chung được trình bày bằng 3 ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt. Dữ liệu ảnh được tổ chức theo tên lãnh thổ (Việt Nam, Nga, Lào...) và theo chủ đề (Văn hóa, Dân tộc học, Khảo cổ học...). Việc tập hợp và cho ra đời Thư viện ảnh trực tuyến chung giữa 2 cơ quan đã tạo thuận lợi lớn đối với các nhà nghiên cứu và mở ra các hướng nghiên cứu, hợp tác tiếp theo.

Xu hướng số hóa và cơ hội của công chúng

Trước đây, việc tiếp cận những bộ ảnh có tính di sản như kể trên rất khó khăn với phần đông công chúng. Tuy nhiên, với xu hướng số hóa, họ có thể dễ dàng tiếp cận nhiều tư liệu quý, kể cả bảo vật quốc gia.

Chẳng hạn như tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, việc số hóa được thực hiện tích cực trong những năm gần đây đã mang đến cơ hội cho công chúng. Nhiều hiện vật quý đã được số hóa và đưa vào các trưng bày ảo, giúp người xem tiếp cận một cách chân thực. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, từ năm 1997, Bảo tàng đã xây dựng phần mềm quản lý hiện vật cũng như nhập dữ liệu thông tin về hiện vật. Bên cạnh đó, Bảo tàng đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D để giới thiệu nhiều trưng bày chuyên đề như "Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam", "Đèn cổ Việt Nam", "Linh vật Việt Nam"... Với sự hỗ trợ của công nghệ, khách tham quan online có thể xem hiện vật một cách chi tiết ở nhiều góc độ, với độ nét rất cao... Đặc biệt, công chúng còn được tương tác, nghe các chuyên gia giới thiệu về điểm đặc sắc trong mỗi không gian trưng bày, hay những câu chuyện thú vị về hiện vật qua mục “Tương tác với nhà sử học”.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng mang đến những thay đổi tích cực. Đặc biệt, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA ra mắt tháng 4-2022 được coi là một bước đột phá của bảo tàng, mang đến cho công chúng cơ hội chủ động tiếp cận 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên trực tiếp và trực tuyến. Với ứng dụng iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.

Bên cạnh đó, việc số hóa cũng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như mỹ thuật, điện ảnh, bảo tồn di sản... Viện Bảo tồn di tích đã công bố mục tiêu số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh cũng như 100% di tích quốc gia và 100% bảo vật quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2030.

Nhiều chuyên gia đánh giá bảo tàng, trưng bày số là xu hướng tất yếu bởi hiện tại, 80 - 90% lượng thông tin tiếp cận đến người dùng là thông qua số hóa. Điều này mở ra cho công chúng cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn đến các tư liệu cổ, cũ có giá trị lớn mà họ khó có thể tiếp cận được nếu chỉ sử dụng các hình thức truyền thống, có ý nghĩa lớn cả trong học tập, nghiên cứu và thưởng lãm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top