Đọc sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghĩ về vấn đề “cảnh tỉnh, răn đe”

08:40 - Thứ Năm, 02/03/2023 Lượt xem: 3718 In bài viết

ĐBP - Mới đây, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã ấn hành cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sách dày hơn 600 trang, khổ cỡ 16x24cm, gồm 3 phần: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Cuốn sách giúp ta nhận thức thường trực và sâu sắc hơn về vấn đề “cảnh tỉnh, răn đe” trong cuộc sống hiện nay.

Trong cuộc sống, khi nói về “cảnh tỉnh, răn đe” là chúng ta muốn nói đến việc giáo dục, xử phạt những người mắc lỗi, vi phạm. Có người vấp phải sai lầm do vô tình, hay hoàn cảnh khách quan đưa đẩy buộc phải vậy. Nhưng cũng có trường hợp lại chủ động, cố tình vi phạm, trong đó có cả những người đang giữ nhiều trọng trách trong hệ thống chính trị, Nhà nước, được nhân dân tín nhiệm bầu ra. Trong thực tiễn, chúng ta đã nhìn thấy những con người được giữ những trọng trách ấy lại không giữ được niềm tin yêu, kính trọng của nhân dân, niềm mong đợi, kỳ vọng của tổ chức. Họ đã bất chấp tất cả để mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình; có những hành vi, việc làm trái với trách nhiệm, lương tâm, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, buộc các tổ chức đảng, các cơ quan thi hành pháp luật phải xử lý, kỷ luật ở các hình thức, mức độ khác nhau.

Điều đó thật đau lòng, nhưng không thể không làm! Bởi vì, đó là sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nó liên quan đến sự vững mạnh của Đảng, sự tồn vong của dân tộc, hơn thế nữa là lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ của chúng ta. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -  Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 25/6/2018: Mục đích kỷ luật là để “trị bệnh cứu người”, cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Đọc cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta càng hiểu rõ, thấm thía sâu sắc hơn tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Hơn thế nữa, đây cũng là sự đồng thuận, ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là sức mạnh to lớn trong cuộc chiến “không khoan nhượng”, không được phép “chùn chân”, “mỏi gối”, chỉ có tiến không có lùi, không thể đảo ngược.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta nhận thấy Đảng và Nhân dân ta đã phải vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ; gánh chịu biết bao mất mát, đau thương. Chỉ riêng cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp trong những năm 1931 - 1932 đã có hàng vạn cán bộ, đảng viên và những người yêu nước bị giam cầm, tù đày; nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng như: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai... đã bị sát hại. Trong các nhà tù khét tiếng của địch như: Côn Đảo, Sơn La, Hỏa Lò, Lao Bảo, Phú Quốc... kẻ thù đã giam cầm, tra tấn hết sức dã man những người cộng sản. Riêng ở nhà tù Côn Đảo có 793 đồng chí hy sinh; ở nhà tù Kon Tum có 339 đồng chí bị thủ tiêu. Trong những năm 1954 - 1959, ở miền Nam có 466.000 đảng viên và những người yêu nước bị bắt giam, 400.000 người bị đưa đi đày và 68.000 người bị giết. Tổng cộng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có gần 160.000 đảng viên hy sinh... Qua đó, chúng ta càng thành kính, trân trọng, tưởng nhớ, tri ân hơn chín triệu người có công, các lãnh tụ của Đảng, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc, của Đảng để có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín như ngày hôm nay.

Vậy mà, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết, giai đoạn 2012 - 2022, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Nhìn vào những con số như vậy, chúng ta tự hỏi: Là những cán bộ của Đảng có buồn không? Buồn lắm chứ, nhưng đây là sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, nhằm “cảnh tỉnh, răn đe” bất cứ ai, ở bất cứ cương vị công tác nào. Điều đó càng khẳng định một chân lý kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược! Bởi vì, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và Nhân dân ta hiện nay; một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị không có ai đứng ngoài cuộc.

Trần Văn Dũng (Học viện Lục quân Đà Lạt)
Bình luận

Tin khác

Back To Top