Lan tỏa làn sóng sách về bình đẳng giới

14:25 - Thứ Tư, 15/03/2023 Lượt xem: 5000 In bài viết

Bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu, bởi thế, truyền thông về bình đẳng giới là vô cùng cần thiết. Sách là kênh truyền thông quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về giới của mọi người, đặc biệt là trẻ em.

Mô típ quen thuộc trong nhiều câu chuyện cổ mà lớp lớp trẻ em từng biết là nàng công chúa ngủ trong rừng chờ đợi hoàng tử đến đánh thức; cô Tấm hay Lọ Lem thì đều cam chịu khi bị đối xử bất công và cuộc đời chỉ được thay đổi khi nhận được sự cứu giúp từ người khác. Tương tự, hình ảnh “đóng đinh” trong nhiều đoạn quảng cáo, tranh, ảnh là người phụ nữ luôn gắn chặt với việc nhà, chăm sóc con, còn nam giới thường được “đính mác” bản lĩnh đàn ông trong môi trường công sở, gắn với bất động sản, xe hơi... Định kiến giới đã hằn sâu vào nếp nghĩ của đa số người Việt. Theo Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng: “Ở Việt Nam, chúng ta nói nhiều về bình đẳng giới nhưng theo tôi, chúng ta vẫn phải tiếp tục đề cập nhiều hơn nữa về nữ quyền, bởi ngay cả chính phụ nữ, thậm chí những người có học, cũng đang không quan tâm đến quyền của mình”.

Trong khoảng thời gian rất dài, có một khoảng trắng về tài liệu, sách vở liên quan đến vấn đề giới, đặc biệt là nữ quyền. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, người sáng lập Eduforlife - dự án Sách ơi mở ra, có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có một trào lưu nữ quyền luận, nhưng nhiều tư liệu cho thấy thực ra đã có một sự vận động và chuyển biến dần vào đầu thế kỷ XX. Khi đó, một số trí thức đã “cải trang giới tính”, lấy bút danh phụ nữ, viết các vấn đề liên quan đến phụ nữ như đả phá các hủ tục, đấu tranh cho quyền của phụ nữ... đăng trên một số báo, tạp chí. 

Ví như học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã mượn tên con gái Đào Thị Loan để đăng nhiều bài viết trong mục “Nhời đàn bà” trên các báo quốc ngữ “Đăng cổ tùng báo”, “Đông Dương tạp chí”, “Trung Bắc tân văn” do chính ông làm chủ biên. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không phải những người theo chủ nghĩa nữ quyền. Tại sao ư, vì chúng tôi không phân biệt nam nữ ở mọi nơi, trừ những lĩnh vực liên quan đến giới tính. Một nữ bác học, một nữ trí thức, một nữ nghệ sĩ hay một người phụ nữ thực hiện một công việc bất kỳ, dưới con mắt chúng tôi, chỉ đơn giản là một con người, người mà do ngẫu nhiên, mang một giới tính khác, cái giới tính cũng ngang bằng về mọi mặt với giới tính của phần còn lại...”. Quyền bình đẳng nam nữ là một điều tự nhiên phải có, và để kiến thiết một đất nước giàu mạnh văn minh thì cần cả đàn ông và đàn bà “được tiếp cận tri thức, luôn nuôi dưỡng chí tiến thủ và ý thức xét lại mình”.

Quan điểm tiến bộ ấy vẫn nguyên giá trị ở thời hiện đại, nhất là khi các cuốn sách về bình đẳng giới nổi tiếng của nước ngoài được giới thiệu với độc giả Việt ngày một nhiều hơn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết: “Có khoảng 200 cuốn sách về bình đẳng giới đã được xuất bản trong vòng 3 - 5 năm trở lại đây và có hẳn một trào lưu mới trong ngành Xuất bản với những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất về nữ quyền, những nghiên cứu nổi tiếng nhất về nữ quyền trên thế giới”. Có thể kể đến “Căn phòng riêng”, “Một mình đi tới ngọn hải đăng”, “Bí ẩn nữ tính”, “Tôi là Malala”, “Phẩm cách phụ nữ”, “Rắc rối giới”, “Yêu sách của Antigone”, “Nữ quyền cho tất cả mọi người”, “Lịch sử vú”, “Dấn thân”, “Bị thiêu sống”, “Được học...”.

Những cuốn sách về giới của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt đã góp phần mở rộng nhãn quan của độc giả, phá đi những “khuôn mẫu độc hại” về giới. Nhận ra tầm quan trọng của truyền thông sách về bình đẳng giới đến độc giả trẻ em, một số đầu sách đã được cho ra mắt, như “Tôn trọng giới tính - Cổ tích bình đẳng giới”, “Tuyên bố về quyền” của NXB Kim Đồng, “Nam nữ bình đẳng” của NXB Mỹ thuật, “Gia đình tớ” hay series sách về câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới của NXB Phụ nữ... Tuy nhiên, loại sách này chiếm tỷ lệ khiêm tốn trên thị trường. Trong bối cảnh thiếu vắng những tác phẩm thúc đẩy bình đẳng giới dành cho thiếu nhi, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã kết hợp với ChildFund Việt Nam và Crabit Kidbooks biên soạn bộ sách “Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích thời hiện đại” nhằm truyền tải thông điệp: Mọi trẻ em, dù bất kỳ giới tính nào cũng đều được lớn lên lành mạnh, được tôn trọng, được tự do phát triển và có thể theo đuổi mọi ước mơ. 

Mới đây, UN Women cũng cho ra mắt Bộ công cụ Khung RESPECT (Tôn trọng phụ nữ) để các đơn vị xuất bản, các tác giả, họa sĩ có thể dựa trên các tài liệu này tiếp tục sáng tạo tác phẩm mới về bình đẳng giới một cách gần gũi với độc giả, đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi. Đại diện NXB Phụ nữ chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng từ bộ nền tảng gốc, chúng ta sẽ có những bộ sách truyền thông về giới hiệu quả”. Các tác giả, họa sĩ minh họa có thể kể cho trẻ em những câu chuyện thật, gần gũi và dễ tiếp cận, về việc vượt qua định kiến giới, về việc đấu tranh để được đến trường, hay đơn giản về chính vai trò của mỗi thành viên trong gia đình. Càng nhiều người biết và hiểu về bình đẳng giới, chúng ta càng có cơ hội xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ hơn.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top