Đặc sắc chợ phiên vùng cao Phìn Hồ

07:32 - Thứ Năm, 16/03/2023 Lượt xem: 7998 In bài viết

ĐBP - Có mặt tại phiên chợ Phìn Hồ, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) buổi sớm tinh mơ, chúng tôi như được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc (Mông, Xạ Phang, Thái…). Khi mặt trời chưa ló rạng, bản mường vẫn chìm trong sương lạnh, từng dòng người, xe từ Mường Chà ngược lên, Mường Nhé xuôi về đã tấp nập, nhộn nhịp, tạo nên không khí sôi động, sầm uất. Người đến chợ cũng đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, những nam thanh nữ tú xuất hiện với khuôn mặt rạng ngời, xúng xính váy áo.

Người dân mua hàng, thưởng thức các món ăn tại chợ phiên Phìn Hồ.

Dạo quanh một vòng chợ, ngoài các gian hàng tiêu dùng phổ thông (quần áo, giày dép, dầu ăn…) của các tiểu thương, người dân đến chợ, mang theo hành lý đơn sơ là chiếc gùi đựng vài bó rau rừng, chục trứng, ít đậu, dưa nhà trồng; chiếc bao tải đựng nếp nương, ngô luộc hoặc mấy con gà, vịt... Dẫu đơn sơ nhưng đó là kết tinh của quá trình lao động sản xuất và thể hiện sự gắn bó, sinh sống hòa hợp với tự nhiên của đồng bào. Chị Tín Hồng Mẩy, bản Mậy Hốc (xã Phìn Hồ) phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, người dân rất vất vả mỗi khi đến họp chợ, nhất là những hôm trời mưa quanh khu chợ toàn bùn lầy, trơn trượt. Không có chỗ nên bà con phải ngồi bên đường để bày bán nông sản. Từ khi chợ phiên Phìn Hồ được tổ chức người dân ai cũng vui mừng; không còn phải vất vả gồng gánh, chở hàng hóa, nông sản đi bán nữa!. Đặc biệt, huyện, xã quan tâm xây dựng ki-ốt nên việc bán hàng cũng thuận tiện hơn; lượng khách mua hàng khá đông nên thu nhập nhà tôi cũng tăng, điều kiện sống tốt hơn”.

Nói chợ phiên Phìn Hồ là nét đẹp văn hoá độc đáo bởi đến chợ người dân không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang nét đẹp, đặc sắc riêng của dân tộc mình tô thêm sắc màu cho phiên chợ. Đó là những chiếc áo, chiếc váy, giầy; những sạp quần áo thổ cẩm dựng san sát, quần áo đủ loại, họa tiết đủ hoa văn của các dân tộc Mông, Xạ Phang... Du khách cũng dễ dàng bắt gặp các loại nông sản, đặc sản vùng cao như các loại rau rừng, củ, quả, mật ong, thảo quả, mắc khén; các món ẩm thực của đồng bào vùng cao (cơm lam, thịt sấy khô...) được bày bán.

Chị Lò Thị Thanh, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Lần đầu đến chợ Phìn Hồ, tôi thấy người dân ở đây rất thân thiện, mến khách đem lại cảm giác thật tuyệt! Cảnh chợ phiên nhộn nhịp, đồng bào trong trang phục truyền thống rực rỡ, thưởng thức ẩm thực vùng cao đã cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi còn mua được hạt dổi và cải rừng về làm quà. Phiên chợ thật đậm đà bản sắc, mộc mạc như người dân nơi đây”.

Ông Hồ Chử Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phìn Hồ chia sẻ: Sau hai năm phải tạm dừng do dịch Covid-19, tới nay xã đã mở lại chợ phiên, góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, tăng cường quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người cũng như các nông sản của địa phương. Đặc biệt, chợ đã được đầu tư xây dựng 8 ki-ốt bằng khung sắt, lợp tôn phục vụ nhu cầu bán hàng của các bản trong xã. Ngoài ra, chợ còn thu hút người dân tại các huyện Mường Nhé, Mường Chà hay các xã lân cận trong huyện đến trao đổi buôn bán; từ đó góp phần bảo tồn, phát triển, đưa chợ phiên Phìn Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, cũng theo ông Hồ Chử Dung: “Từ khi mở lại, do người dân đi làm ăn xa nên hiện lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm tại chợ chưa thật đông đúc”.

Huyện Nậm Pồ hiện có 3 phiên chợ: Ham Xoong (xã Vàng Đán); Vàng Lếch (Nậm Tin) và Phìn Hồ. Không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, mà các chợ phiên còn hàm chứa cả nét đẹp, đặc sắc riêng của từng dân tộc, trở thành điểm du lịch hút khách. Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ chia sẻ: Không giống chợ ở thị trấn, chợ vùng cao họp theo phiên, có khi cả tuần, nửa tháng mới có một phiên. Và không phải xã nào cũng có chợ, nên phiên chợ ở đây rất quý, thu hút đông đảo khách trong vùng, các xã giáp ranh.

Để phát huy giá trị chợ vùng cao, huyện Nậm Pồ đã và đang triển khai các phương án bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng tại các chợ phiên. Đồng thời, huyện cũng tăng cường quảng bá, phát huy hình ảnh chợ phiên gắn với phát triển du lịch, nhằm từng bước củng cố, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị các xã quan tâm nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các chợ phiên, nâng cao giá trị thương hiệu các mặt hàng truyền thống và sản vật địa phương phục vụ du khách. Cũng theo ông Phan Ngọc Linh, thông qua chợ phiên, huyện mong muốn phục dựng lại nét đẹp truyền thống của các dân tộc, phục dựng và bảo tồn các lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc... Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến mảnh đất biên cương Nậm Pồ”.

Hiện nay, huyện Nậm Pồ đã xây dựng quy hoạch khu vực trung tâm xã Phìn Hồ. Trong quy hoạch, chợ Phìn Hồ sẽ được nâng cấp và mở rộng để đồng thời đảm bảo hai nhiệm vụ vừa là nơi giao thương hàng hóa thúc đẩy kinh tế phát triển vừa tạo không gian lưu giữ nét văn hóa của chợ truyền thống.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top