Người lưu giữ tiếng khèn Mông

09:03 - Thứ Năm, 23/03/2023 Lượt xem: 6184 In bài viết

ĐBP - “Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Mông ở huyện Nậm Pồ, không thể thiếu tiếng khèn. Nghệ nhân ưu tú - ông Hạng A Sàng được biết đến như là một trong những nghệ nhân tiêu biểu của huyện, đã dành cả cuộc đời cho việc lưu giữ, bảo tồn khèn, loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông”.

Nghệ nhân ưu tú Hạng A Sàng (thứ 2 từ trái sang) truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ.

Đã nhiều năm nay, nhiều thế hệ người dân trong bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa đã quen với tiếng khèn của nghệ nhân Hạng A Sàng. Với họ đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Cây khèn không chỉ là loại nhạc cụ do ông cha truyền lại mà còn là kết tinh văn hóa truyền thống của người Mông. Sinh ra tại mảnh đất Si Ma Cai, Lào Cai, mang trong mình niềm tự hào của người con dân tộc Mông, nghệ nhân Hạng A Sàng đã sớm yêu thích nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Cũng giống như bao chàng trai dân tộc Mông khác, nghệ nhân Hạng A Sàng học thổi khèn như cách để chứng tỏ mình là một chàng trai đã trưởng thành. “Chàng trai người Mông khi lên 10 tuổi đã học thổi khèn Mông rồi. Khi đi nương, khi ngồi trên lưng trâu cũng học thổi khèn mọi lúc mọi nơi. Đến 13 tuổi thì thành thạo khèn Mông. Khi biết thổi khèn rồi thì thổi khèn đi tán gái, đi chợ phiên hay trong dịp lễ tết. Đây là truyền thống rồi. Ở đâu có đàn ông người Mông thì ở đó vang lên tiếng khèn” - nghệ nhân Hạng A Sàng cho hay. 

Người Mông gọi tiếng khèn là “Kềnh”. Khèn của người Mông là loại nhạc khí hơi có từ lâu đời, khèn gồm 6 ống khí bằng trúc. Âm thanh của tiếng khèn Mông là âm thanh của núi rừng, không chỉ thể hiện sự hòa mình vào thiên nhiên mà còn thể hiện tình cảm gần gũi, sự mạnh mẽ, gan góc như chính cuộc sống của người Mông nơi núi rừng Tây Bắc. Động tác múa khèn của người Mông nơi đây rất đa dạng và phong phú. Phổ biến nhất là động tác quay hất gót tại chỗ, quay hất gót tạo vòng tròn lớn, nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, quay vờn khèn… Là bạn diễn ăn ý ở các hội diễn văn nghệ với nghệ nhân Hạng A Sàng, ông Thào A Trang ở bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa cho biết thêm: Người đàn ông dân tộc Mông biết nhiều loại nhạc cụ, nhưng phổ biến và thành thạo nhất là thổi khèn Mông. Nhưng để học, chơi thành thạo tiếng khèn Mông để có thể biểu diễn ở sân khấu thì không phải ai cũng làm được”. Với mong muốn quảng bá nhạc cụ dân tộc cùng tình yêu dành cho cây khèn Mông, nghệ nhân Hạng A Sàng đã biểu diễn khèn Mông ở nhiều chương trình văn nghệ lớn ở Trung ương, khu vực miền núi phía Bắc, ở các sự kiện lớn của tỉnh, của huyện. Với những đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, nghệ nhân Hạng A Sàng được nhà nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú năm 2022. “Với kinh nghiệm của mình, nghệ nhân Hạng A Sàng đang truyền dạy cho 5 cháu ở bản để học thổi khèn của người Mông. Các cháu đã học được rồi nhưng để đi biểu diễn thì cần phải thêm nhiều thời gian học nữa mới biểu diễn văn nghệ được. Mong muốn lớn nhất của mình là sau này mình già đi, không còn thổi được khèn hay nữa, thì các cháu sẽ thổi thay, thổi hay hơn mình nữa” - Nghệ nhân Hạng A Sàng chia sẻ.

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay đã có nhiều đổi thay, đâu đó ở những bản làng của người Mông đã biết đến nhiều loại nhạc cụ hiện đại nhưng người Mông vẫn không bỏ chiếc khèn của dân tộc mình. Tiếng khèn là di sản văn hóa của người Mông, lưu giữ tiếng khèn là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Như mong muốn lớn nhất của nghệ nhân Hạng A Sàng là có nhiều học trò biết thổi khèn Mông để giữ được cái hồn, cái nét văn hóa từ cha ông để lại, những thế hệ trẻ trong cộng đồng người Mông hãy giữ lấy nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Đỗ Thành Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top