Tính tẩu - nhạc cụ độc đáo của người dân tộc Thái Trắng khu Ba Chà

09:01 - Thứ Sáu, 24/03/2023 Lượt xem: 7895 In bài viết

ĐBP - Đàn tính tẩu là nhạc cụ phổ biến của đồng bào dân tộc Thái Trắng nói chung và người Thái trắng ở khu vực Ba Chà (Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở) huyện Nậm Pồ nói riêng. Người Thái thường dùng tiếng đàn để độc tấu, hợp xướng, giao duyên, đệm cho hát múa dân gian vào các ngày vui, lễ lớn và hội xuân của bản mường. Hình ảnh những người đàn ông đánh đàn tính tẩu hòa cùng các điệu múa, lời ca Thái đã tạo nên một bức tranh văn hóa độc đáo nơi núi rừng biên giới. Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, cỏ cây đâm chồi, nảy lộc, đồng bào dân tộc Thái Trắng tại khu Ba Chà lại tất bật rủ nhau đi từ nhà này sang nhà khác chúc tết, ăn mừng một mùa xuân mới. Trong không khí vui tươi đó không thể thiếu được tiếng đàn tính tẩu ngân vang làm cho ngày tết thêm vui, đầm ấm và thêm tình đoàn kết bản làng.

Các nghệ nhân khu vực Ba Chà biểu diễn đàn tính tẩu trong ngày hội xuân.

Để chế tác được một cây đàn tính tẩu phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, có đôi bàn tay khéo léo và hiểu biết về đàn tính quan trọng nhất là tìm được bầu đàn tốt. Người chế tác đàn tính không chỉ là một người thợ mà còn phải là một nghệ sĩ biết đánh đàn để có thể nghe âm thanh, thử dây, chỉnh đàn, thì mới tạo ra được một cây đàn tính tẩu đạt yêu cầu. “Với tình yêu nhạc cụ dân tộc, ngoài việc chế tác những cây đàn tính, tôi còn tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, các cuộc biểu diễn do huyện, tỉnh tổ chức và tích cực truyền dạy cách chơi đàn cho con cháu để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Thái Trắng”.

Ông Lèng Văn Nguyên, sinh năm 1960 ở bản Mới 1, xã Chà Cang chia sẻ: “Đàn tính tẩu của người Thái gồm có 3 phần chính: Bầu đàn, thân đàn và dây đàn. Phần bầu đàn làm bằng 1/4 quả bầu khô (cắt ngang), kích cỡ bầu đàn có thể thay đổi tùy theo quả bầu lớn nhỏ, đường kính thường từ 15 - 25cm, phải chọn quả bầu tròn và dày mới có độ vang và âm sắc chuẩn, mặt đàn làm bằng những loại gỗ có độ xốp và nhẹ được xẻ mỏng giúp âm thanh của đàn vang hơn, đằng sau bầu đàn được khoét 4 cái lỗ nhỏ để thoát âm. Phần thân đàn (cần đàn) được làm bằng thân cây hoa sữa, người Thái gọi là cây “mạy tin pết”, thân đàn dài khoảng 1m, không có nốt rõ ràng như đàn ghi ta, phần dưới thân đàn xuyên qua bầu vang, còn phần trên cùng là đầu đàn uốn cong hình lưỡi liềm và có 2 nút để điều chỉnh dây đàn. Còn dây đàn, gồm có 2 dây, trước kia được làm bằng sợi tơ tằm rồi vuốt sáp ong đen, nay người ta làm dây cước buộc từ đầu cần đàn đến cuối bầu đàn. Đàn tính tẩu có âm sắc êm dịu, thanh thoát lúc trầm lúc bổng. Khi đánh đàn người đàn ông dùng ngón tay trỏ gảy dây đàn theo điệu hát của nhạc, ngón cái và giữa cần đàn ở nơi gần sát bầu đàn. Ngón trỏ khẩy xuống và hất lên luân phiên khi chơi giai điệu nhanh còn giai điệu chậm thì ngón trỏ chỉ khẩy xuống”.

Ngày xưa, ngoài đệm hát, góp vui trong các ngày hội, tiếng đàn tính tẩu còn được những chàng trai người Thái trắng dùng để tỏ tình. Vào buổi tối, những chàng trai người Thái trong bản “Pay púc sạo” (đi chọc sàn đánh thức con gái dậy). Chàng trai đứng ngoài sân, vừa đàn vừa hát: “dậy đi em, dậy đi em ơi! Ra đầu sàn để ngắm trăng sao. Ra đầu sàn để ngắm trăng sao nhấp nháy. Đi uyển chuyển cầm ghế ngồi chung”. Dù đang nằm trong chăn ấm, đệm êm, cô gái cũng xiêu lòng ra mở cửa để chàng trai vào tâm sự. Dưới ánh trăng, cô gái ngồi dệt vải, chàng trai ngồi cạnh gẩy đàn bày tỏ tâm tình của mình. Từ đó, tiếng đàn tính tẩu đã kết duyên vợ chồng cho nhiêu cặp đôi người Thái. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, xã hội đã nhiều thay đổi, ngày nay đàn tính thường dùng để biểu diễn cùng các tiết mục văn hóa, văn nghệ trong các ngày vui của bản làng và hội thi do huyện, tỉnh tổ chức.

Là một người trẻ yêu thích đàn tính tẩu, anh Poòng Văn Hoàng ở bản Nà Khuyết, xã Chà Cang chia sẻ: “Bố tôi là nghệ nhân đánh đàn tính tẩu Poòng Văn Ơn, từ nhỏ tôi đã thích nghe tiếng đàn tính tẩu của bố, tiếng đàn vang lên vừa thiết tha ngọt ngào vừa gần gũi bình yên như sự giao hòa giữa con người với núi rừng. Tôi theo bố học đàn từ nhỏ, đến 15, 16 tuổi tôi biết đánh đàn tính tẩu. Bây giờ vào các ngày vui của bản tôi thường cùng bố đánh đàn tính tẩu góp vui vào các tiết mục văn hóa, văn nghệ.

Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng Phòng văn hóa huyện Nậm Pồ cho biết: Đối với đồng bào dân tộc Thái Trắng, tính tẩu là một loại nhạc cụ đặc trưng và giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa. Họ coi tính tẩu như một báu vật trong nhà và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của cây đàn tính, vào các hội thi, hội diễn văn nghệ dân tộc do huyện hoặc tỉnh tổ chức chúng tôi đều cử những nghệ nhân đàn tính tham gia biểu diễn.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Trung (huyện Nậm Pồ)
Bình luận
Back To Top