Nguy cơ mai một nghề dệt truyền thống

08:52 - Thứ Năm, 06/04/2023 Lượt xem: 7274 In bài viết

ĐBP - Dưới tác động của kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc ở tỉnh nhà đang đứng trước nguy cơ mai một. Rất cần có những giải pháp để gìn giữ và lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc...

Phụ nữ dân tộc Thái, bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Nguy cơ mai một

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của sản phẩm công nghiệp và quá trình hội nhập, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may trên thị trường. Hàng hóa làm ra khó tìm thị trường tiêu thụ, đời sống người làm nghề gặp nhiều khó khăn...

Nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó từ rất lâu với đời sống của đồng bào người Thái ở bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ. Trong trí nhớ của người già trong bản từ những ngày xa xưa lắm, hình ảnh những bà, mẹ tảo tần bên chiếc khung cửi là bóng dáng rất đỗi thân quen. Từ khung cửi đơn sơ ấy, màu sắc của cuộc sống, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Phiêng Lơi được tái hiện thành những họa tiết, hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề dệt thổ cẩm ở bản Phiêng Lơi đang đối mặt với nguy cơ mai một. Ông Lường Văn Muôn, Trưởng bản Phiêng Lơi chia sẻ: “Trước đây, thời các cụ nhà ai cũng có khung cửi, cũng dệt vải, may quần áo. Nhưng đến bây giờ thì ít người dệt rồi, chủ yếu là đi mua quần áo may sẵn về mặc. Bản hiện đang làm du lịch nên cũng thành lập đội dệt thổ cẩm với 12 thành viên. Tuy nhiên cũng chỉ sản xuất cầm chừng đủ để phục vụ du khách. Thời gian còn lại phải tập trung làm những việc khác để mưu sinh. Khách du lịch đến cũng nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là xem, trải nghiệm chứ người mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bản cũng đang nghiên cứu phương án tháo gỡ khó khăn này để chị em có thể sống được với nghề, hoặc chí ít cũng duy trì nghề dệt truyền thống của cha ông truyền lại...”.

Những năm 90 của thế kỷ trước, cuộc sống người Hà Nhì ở bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé còn gặp nhiều khó khăn. Nằm ở sát biên giới, cuộc sống của người dân nơi đây hầu như là tự cấp, tự túc hoàn toàn. Bởi vậy trong trí nhớ về quê hương của cô cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé Pờ Xí Mé vẫn còn khắc sâu hình ảnh của những nương bông trắng xóa, những chum màu chàm được bà nội mình cẩn thận làm ra... Thế nhưng từ lâu lắm rồi, những “màu rừng” đó cứ dần dần biến mất, nhường chỗ cho vải dệt sẵn, quần áo công nghiệp. Pờ Xí Mé tâm sự: “Trong xu thế phát triển chung của xã hội, giao thương hàng hóa ngày càng dễ dàng thì việc mua sắm vải dệt sẵn không còn khó như ngày xưa. Giá thành rẻ, chất lượng có thể chấp nhận được mà không tốn nhiều công như vải dệt truyền thống. Thế nên người dân ở đây không còn trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm như xưa nữa. Nghề dệt ở bản Tả Kố Khừ cũng theo đó mà mai một dần dần... Đợt vừa rồi tôi vừa mới về quê, đi thăm nhà các cụ. Hỏi ra thì vẫn nhiều bà vẫn còn nhớ nghề xưa. Có điều bây giờ không có dụng cụ, không có nguyên liệu nên chẳng thể làm được thôi. Nếu có những thứ đó các bà vẫn dệt được. Đây là tín hiệu vui để sắp tới có thể khôi phục lại nghề dệt truyền thống của người Hà Nhì tại Tả Kố Khừ...”.

Giải pháp giữ gìn

Nguy cơ mai một của nghề dệt truyền thống đang là nỗi niềm trăn trở không chỉ của những người tâm huyết với nghề mà còn là của cả những người đang làm công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc. Việc khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này là một việc làm cần thiết, không chỉ đơn thuần mang lại thu nhập cho người thợ thủ công trong những lúc nông nhàn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, mà còn góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa, nét độc đáo riêng của các dân tộc tỉnh nhà. Thời gian qua, các cấp, ngành từ tỉnh tới các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để gìn giữ nghề dệt truyền thống trước nguy cơ mai một. Như việc bảo tồn, gìn giữ các trang phục truyền thống; hỗ trợ các bản có nghề dệt duy trì và phát triển; công nhận nghề, làng nghề truyền thống...

Tại bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điên Biên có nghề dệt truyền thống từ lâu đời của dân tộc Lào, vải dệt được làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình mà ngày nay đã trở thành hàng hóa tạo thêm thu nhập cho người dân. Bản Pa Xa Lào có gần 60 hộ dân, hầu như nhà nào cũng sở hữu một khung cửi để dệt thổ cẩm. Để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, bản đã thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm bản Pa Xa Lào. Và mới đây nhất, UBND tỉnh đã công nhận nghề dệt thổ cẩm của bản Pa Xa Lào là nghề truyền thống. Nghề dệt thổ cẩm ngoài cung cấp nguồn chất liệu may mặc cho cộng đồng trong bản còn cung ứng ra thị trường. Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, trong các hoạt động văn hóa, đời sống như làm trang phục. Nhưng hiện nay, những tấm vải dệt thổ cẩm công phu được nhiều người yêu thích và đặt mua đã góp phần thêm thu nhập cho bà con, khơi gợi sự đam mê tiếp nối nghề truyền thống. Chị Lò Thị Thơm, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pa Xa Lào chia sẻ: “Chúng tôi tập trung sản xuất các trang phục truyền thống của dân tộc Lào, như: Váy, áo, khăn… Với giá bán trên thị trường hiện nay giao động từ 500 - 900 nghìn đồng/bộ váy, áo; 700 - 800 nghìn đồng/khăn thì vẫn có thể làm được. Thế nên nhiều chị em vẫn tranh thủ thời gian nông nhàn để dệt vải, kiếm thêm thu nhập...”. 

Có thể thấy rằng, để bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, việc cần làm trước tiên là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Bởi quy luật thị trường phải có cầu thì mới có cung. Còn như hiện nay, hầu hết là thực trạng đáng buồn khi khung cửi phủ bụi, sản phẩm làm ra sau khi phục vụ đời sống gia đình thì lại xếp gọn gàng trong kho vì không tiêu thụ được... Tiếp nữa là giữ gìn truyền thống nhưng vẫn cần bắt kịp xu thế, sử dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Nói về dệt thổ cẩm là người ta thường nghĩ đến những sản phẩm được dệt bằng tay và mất rất nhiều thời gian. Nhưng nếu có điều kiện áp dụng một phần máy móc vào làm những phần không bắt buộc phải dệt tay thì vừa giảm công lao động, giảm giá thành, góp phần đưa sản phẩm dệt thổ cẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Thêm vào đó, việc “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, để thế hệ trẻ ngày nay ý thức được việc phải gìn giữ những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình trên từng vuông vải...

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top