Món rêu nướng
Xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông có dòng sông Mã chảy qua cũng là nơi cư trú, định cư của người Lào từ lâu đời. Sông Mã không chỉ là nơi cung cấp thủy sản, nước phục vụ sinh hoạt cho người dân, mà tại các tảng đá trong lòng suối còn mọc rêu, một nguyên liệu chính làm nên nhiều món ăn giản dị, gần gũi mà vô cùng độc đáo, mang đặc trưng văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây.
Rêu đá có thể chế biến thành các món ăn khác nhau, như: canh, nộm, rán, nướng… những phổ biến nhất là món rêu nướng. Món ăn này được người dân tộc Lào dùng để đãi khách. Để làm món rêu nướng, đầu tiên những phụ nữ thu hái rêu bám trên các tảng đá dưới sông; rũ nhẹ để bớt bùn, cát; cho rêu vào giá với khe hở vừa phải, đảm bảo có thể trôi các dị vật nhưng vẫn giữ lại các sợi rêu. Sau khi rêu đã được rửa sạch và tơi sẽ đặt lên tấm đá lớn rồi dùng chày hoặc gậy để đập; mỗi lần đập lượng nước trong rêu sẽ bắn ra kéo theo cát và các dị vật nhỏ, cứ như vậy tuần hoàn, đập cho kiệt nước, rửa rêu rồi lại đập tầm hơn 30 phút là đã cơ bản sơ chế sạch rêu.
Sau công đoạn sơ chế, để làm món rêu nướng họ tiến hành trộn đều các gia vị như muối, ớt, mì chính, mắc khén, hành… Sau đó cuộn lại bằng lá chuối và được nướng trên than hồng. Sau gần 10 phút, khi lớp lá chuối cháy sém, có mùi thơm là rêu đã chín. Khi ăn, rêu nướng sẽ có vị đắng nhẹ, giòn, sau đó sẽ lưu lại vị dịu ngọt đặc trưng cùng mùi thơm của các gia vị hòa quyện tan trong miệng. Món rêu nướng vô cùng thích hợp ăn kèm xôi trắng; vị ngọt dịu cùng sự béo ngậy thơm lừng của nếp mới tạo thành trải nghiệm khó cưỡng, độc đáo và đặc trưng trong mỗi mâm cơm của đồng bào dân tộc Lào Mường Luân.
Có thể thấy, các món ăn được làm từ rêu trên dòng sông Mã không chỉ thể hiện ẩm thực phong phú, độc đáo, mà nó còn mang đậm nét văn hóa truyền thống lịch sử trong quá trình dân tộc Lào định cư, sinh sống qua nhiều thế hệ bên dòng sông Mã.