Cuộc sống qua ảnh

Tết té nước dân tộc Lào tại Na Sang

15:04 - Thứ Sáu, 14/04/2023 Lượt xem: 7120 In bài viết

ĐBP - Hôm nay (14/4), tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã diễn ra Tết “Bun huột nặm” (Tết té nước). Đây là một trong những lễ, tết truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Lào nơi đây.

Tết té nước diễn ra với 2 phần, là lễ và hội. Trong phần lễ, bao gồm nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, như lễ cúng bản, cúng tổ tiên và các vị thần, kết thúc lễ mời, thầy mo vừa cầu khẩn, vừa vẩy nước thơm và buộc chỉ cổ tay cho mọi người để cầu may, nhận phước với mong muốn một năm bình an, khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

Sau khi buộc chỉ, mọi người cùng nhau chơi các trò chơi dân gian truyền thống, gắn liền với các hoạt động sinh hoạt, sản xuất được hun đúc từ lâu đời như: Chơi tấu phắc sá (rùa ấp trứng), ngù kin khiết (rắn bắt ngóe)… Sau đó, thầy mo sẽ dẫn đầu đoàn tế lễ, mang lễ vật đi các nhà trong bản để xin nước. Khi xin nước, đoàn người dẫn đầu là thầy mo sẽ đứng dưới nhà, đọc bài khấn; chủ nhà sẽ thay mặt, xin với thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu tươi tốt, con người không ốm đau, bệnh tật. Khi đã đi hết các nhà trong bản, đoàn xin nước sẽ mang lễ vật ra suối xếp ra mâm, thầy mo sẽ mời thần trời, thần đất, thần suối về ăn tết, chứng giám cho người dân trong bản.

Kết thúc phần lễ, sẽ diễn ra phần hội, mọi người cùng nhau xuống suối, té nước để cầu chúc may mắn. Khi té nước, dân tộc Lào không chỉ té vào người mà còn té nước vào nhà cửa, vật nuôi, các công cụ sản xuất… Bởi họ tin rằng nước sẽ gột rửa, xua đuổi đi sự xấu xa, bệnh tật… Trong không khí vui vẻ, tưng bừng, người dân vừa chơi vừa ăn uống, nâng chén, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất.

Có thể thấy, Tết té nước đã phản ánh sâu sắc sự gắn bó mật thiết giữa đời sống, sinh hoạt hàng ngày với tập tục, tín ngưỡng văn hóa trong cộng đồng dân tộc Lào, đây vừa là dịp thể hiện sự biết ơn, thành kính với tổ tiên, thần linh còn là dịp xây dựng, phát triển sự gắn bó, đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng dân tộc.

Ngay từ sáng sớm, các chị em phụ nữ đã sắm sửa váy áo đi chơi hội.
Con đường đến khu tổ chức lễ được trang trí cờ hoa rực rỡ.
Bun huột nặm là lễ hội truyền thống, là dịp để mọi người trong bản làng gặp gỡ, quy tụ sau khoảng thời gian tất bật với công việc.
Trước khi bắt đầu lễ hội là các tiết mục múa, hát, chơi các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Lào tại Na Sang.
Những tràng vỗ tay thích thú, hứng khởi, vui vẻ của người dân khi xem các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Kết thúc phần văn nghệ khai mạc sẽ là phần nghi thức cúng lễ Bum huột nặm do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng dân tộc Lào tại Na Sang thực hiện.
Tế lễ xong, các bà, các mẹ thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay cho người dân và du khách thập phương.
Những sợi chỉ tay là lời cầu chúc may mắn, ấm no sẽ đến, đồng thời nó còn thể hiện thần linh, các thế lực siêu nhiên trong đời sống tâm linh dân tộc Lào sẽ bảo vệ, che chở cho người được buộc chỉ.
Sau khi kết thúc phần tế lễ buộc chỉ tay, người dân, du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Lào như “rùa ấp trứng” (Táu lasa)…
Hái dưa chín (Pít mác tánh).
Sự vui vẻ, hồ hởi của người chơi khi tham gia các trò chơi truyền thống.
Kết thúc các trò chơi truyền thống, đoàn người dẫn đầu là thầy mo sẽ đến các nhà trong bản để xin nước.
Khi đến nhà xin nước, thầy mo và gia chủ sẽ cầu chúc những điều may mắn, an lành đến tất cả mọi người, đồng thời gia chủ sẽ té nước từ trên nhà tượng trưng cho những hạt mưa.
Sau đó đoàn người sẽ mang lễ vật ra suối, mời các vị thần chứng giám.

 

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top