Vi phạm bản quyền thời 4.0: Giải pháp đầu tiên là phải nâng cao nhận thức

10:21 - Thứ Hai, 17/04/2023 Lượt xem: 5046 In bài viết

Bản quyền được coi là vấn đề then chốt trong phát triển công nghiệp văn hóa. Trong kỷ nguyên số hiện nay, vấn đề bản quyền ngày càng trở nên phức tạp, liên tục phát sinh yếu tố mới, kèm theo đó là những vi phạm tinh vi trên các nền tảng xuyên biên giới. Điều này đòi hỏi phải liên tục nâng cao nhận thức của các chủ sở hữu quyền cũng như công chúng nói chung liên quan tới vấn đề bản quyền.

Vấn đề bản quyền ngày càng trở nên phức tạp đòi hỏi phải liên tục nâng cao nhận thức của các chủ sở hữu quyền cũng như công chúng.

Vi phạm tràn lan trên các nền tảng xuyên biên giới

Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 6-4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sắp tới sẽ kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam. Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, bên cạnh các nội dung xấu, độc hại, trên nền tảng mạng xã hội này còn có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó có việc vi phạm bản quyền. Loại vi phạm này cũng đang diễn ra phổ biến trên các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, YouTube...

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần cho biết, Bộ nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc... trên các nền tảng xuyên biên giới. Các hành vi vi phạm được phân ra thành nhiều loại như recorded (sao chép và đăng tải lại), live streaming (tiếp sóng và tái phát sóng), review phim (cắt xén, thay đổi nội dung tác phẩm)... Nội dung vi phạm được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng: Các website, ứng dụng (app) OTT được nhà nước cấp phép; các website đăng ký tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài; các app OTT lậu được chia sẻ trên Internet hoặc được cài đặt qua các thiết bị Android TV Box; các mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch...

Theo báo cáo của Media Partners Asia được trình bày tại hội thảo "Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam" năm 2022, tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép lên tới 15,5 triệu vào năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể lên tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD. Kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giúp gia tăng giá trị nhờ vào việc tăng lượng khách hàng hợp pháp và tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp, có thể tăng gấp đôi giá trị đầu tư cho các nội dung video trực tuyến trong nước lên mức 150 triệu USD vào năm 2027 so với con số hiện tại ước tính là 75 triệu USD. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền thì sẽ tạo thêm khoảng 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động nhờ sản lượng lao động trong lĩnh vực video tăng lên 351 triệu USD vào năm 2027, một mức tăng đáng kể so với con số 134 triệu USD hiện nay.

Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều thách thức

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: Các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền trên mạng hiện hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, đối tượng vi phạm luôn che giấu thông tin chi tiết, từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Trong một hội thảo về bản quyền mới đây tại Hà Nội, luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: Các vi phạm bản quyền có nhiều cách thức biến tướng không ngừng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới và phải bằng rất nhiều biện pháp kỹ thuật thì mới có thể tìm ra được. Có thể kể tới việc thường xuyên thay đổi tên miền đối với các website chiếu phim lậu, bẻ khóa các phần mềm hỗ trợ để dùng lậu, sử dụng máy chủ ở nước ngoài, thậm chí là rất nhiều cách “đi vòng” qua bên thứ 3, thứ 4, chỉnh sửa, cắt ghép nội dung để tránh bị phát hiện... Chẳng hạn như trường hợp website phim lậu Phimmoi, được vận hành từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, là một ví dụ nổi bật về tình trạng vi phạm bản quyền số ở phạm vi thế giới.

Mặc dù Việt Nam rất nỗ lực trong việc bảo vệ bản quyền, tích cực hợp tác với các bên để xử lý vi phạm song số lượng vi phạm vẫn còn nhiều. Ngày 28-2 vừa qua, Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) ra thông báo ngăn chặn đường dây vi phạm bản quyền của USTVGO tại Việt Nam. Trang web phát trực tiếp trái phép này hoạt động từ năm 2018 và đã cung cấp quyền truy cập bất hợp pháp vào hơn 100 kênh xem nội dung trực tiếp, bao gồm cả các kênh thể thao, phần lớn các kênh này thuộc về các thành viên của ACE. Theo thông tin của tổ chức này: Những đối tượng vi phạm bản quyền ở Việt Nam đã cấu kết với một số dịch vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng nhất thế giới, gây thiệt hại đáng kể cho thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời biến Việt Nam thành điểm nóng về vi phạm bản quyền.

Ra mắt vào tháng 12-2021, tính đến tháng 6-2022, Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam đối với hơn 500 website vi phạm bản quyền.

 

Một số hoạt động tập huấn về bản quyền trong dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện.

Ý thức vẫn là điểm mấu chốt

Thời gian gần đây, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ bản quyền trên các nền tảng xuyên biên giới, Việt Nam liên tục có những hoạt động hội thảo, hợp tác với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... để yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, trong đó có vấn đề bản quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp về quản lý, công nghệ, vấn đề ý thức của các chủ sở hữu quyền, người dùng vẫn được coi là điểm mấu chốt để giải bài toán vi phạm bản quyền hiện nay. Báo cáo nghiên cứu Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam công bố gần đây đã chỉ ra rằng: Sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế chuyển đổi số đã tạo ra những phương thức vận hành, cách thức tạo ra các sản phẩm văn hóa, sáng tạo. Đây cũng là nền tảng hỗ trợ cho việc cung ứng các sản phẩm văn hóa, sáng tạo đến với cộng đồng...

Tuy vậy, cũng trên nền tảng này đã xuất hiện cơ hội cho các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số với các hình thức tinh vi, gây khó khăn cho việc phát hiện cũng như xử lý vi phạm và giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa các chủ thể. Điều này đồng nghĩa với việc phải đảm bảo nguồn lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ đủ mạnh để có khả năng phát hiện, xử lý cũng như giải quyết các vụ việc vi phạm. Ngoài ra, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả, các chủ thể là chủ sở hữu các sản phẩm văn hóa, sáng tạo cũng phải áp dụng những biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền của mình. Điều này này dẫn đến yêu cầu nâng cao nhận thức, sự am hiểu về sở hữu trí tuệ của các chủ thể, đặc biệt là chủ sở hữu các sản phẩm văn hóa sáng tạo để không chỉ bảo vệ mà còn hỗ trợ việc khai thác lợi ích từ tài sản trí tuệ mà mình tạo ra.

Song, thực tế, nhận thức của người dân với vấn đề này chưa cao. Mới đây, nghệ sĩ Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang có chia sẻ câu chuyện “đòi tiền tác quyền như đi đòi nợ”, nhưng nơi trả nơi không, nơi lách luật để trả thiếu, nơi cãi cùn bằng được để trốn tránh nghĩa vụ... Nhiều chủ sở hữu quyền đã “tặc lưỡi cho qua” khi bị vi phạm vì thấy việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thừa nhận: “Nhận thức về thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, nhiều người đã ý thức được tầm quan trọng của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực khó nên việc thực hiện dự án “Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam” cũng là một thách thức với tất cả cán bộ viện nghiên cứu”. Do vậy, giải pháp đầu tiên mà Viện đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ trong thời gian tới tại Việt Nam chính là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong vấn đề này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top