ĐBP - Những năm gần đây Thư viện tỉnh có nhiều đổi mới, đa dạng hoạt động, để đưa sách đến gần hơn với độc giả. Đặc biệt từ tháng 10/2022, Thư viện triển khai phòng đọc “mở”, để người dân tự tìm kiếm, lựa chọn và đọc sách, báo tại chỗ. Tuy mô hình này không mới ở các tỉnh, thành phố lớn, nhưng với hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Thư viện tỉnh đang khắc phục những khó khăn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của độc giả.
Phòng đọc “mở” được bố trí ở tầng 3 tòa nhà Thư viện tỉnh, với tổng diện tích 200m2. Không gian bài trí khoa học. Các kệ đầy sách với hơn 16.000 bản, đa dạng các thể loại, lĩnh vực và 50 loại báo, tạp chí khác nhau. Sách thường xuyên được luân chuyển, bổ sung mới; báo chí cập nhật liên tục từng số phát hành. Một nửa căn phòng được xếp sẵn bàn ghế, là khu vực ngồi đọc, tra cứu. Cả căn phòng rộng rãi, thông thoáng và luôn yên tĩnh, tạo sự thoải mái, thư giãn cho những người yêu thích sách. Kho sách còn mở cửa phục vụ bạn đọc tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, tạo thêm nhiều cơ hội cho học sinh, những người bận rộn có thể đến với sách.
Hầu như chiều nào ông Phạm Minh Duẩn, tổ 10, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ cũng có mặt tại phòng đọc này. Đặt 1 xấp báo mới của nhiều cơ quan báo chí khác nhau trước mặt, ông Duẩn lần lượt giở từng tờ, đọc những thông tin quan trọng, thu hút. Ông Duẩn cho biết: “Tôi là cán bộ hưu trí, hàng ngày rảnh rỗi là đến đây, chủ yếu đọc báo để cập nhật thông tin thời sự, nắm bắt thêm các mặt đời sống cả quốc tế, trong nước và trong tỉnh. Thỉnh thoảng tôi cũng tìm đọc lại các tác phẩm văn học kinh điển để thấm thía giá trị của nó. Phòng đọc mở này có các đề mục tra cứu dễ dàng, nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình, không gian yên tĩnh, dễ chịu, nên đọc sách báo rất phù hợp”.
Cùng với các cán bộ hưu trí, phòng đọc thu hút nhiều học sinh các cấp, chủ yếu là học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các xã lân cận của huyện Điện Biên. Sau khi cất đồ cá nhân, em Nguyễn Thị Mỹ Hảo, học sinh lớp 9, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên đến kệ sách đề bảng thể loại mình thích, rà tên, mở xem, chọn được sách rồi thì mang đến bàn ngồi đọc say sưa. Mỹ Hảo chia sẻ: “Tranh thủ buổi chiều không phải lên lớp, em đến Thư viện đọc sách 1 - 2 lần/tuần. Em cũng mới trở thành bạn đọc ở đây được 2 tháng. Trước mượn đọc kiểu truyền thống thì tìm theo mã sách hoặc nhờ cô thủ thư giới thiệu giúp, giờ em được tự tay vào chọn sách, em rất vui và có cảm xúc rất khác, thích thú và thỏa sức tìm sách hợp gu đọc của mình hơn. Trong đây có rất nhiều loại sách, của nhiều tác giả, nhà xuất bản và sách mới cập nhật, trước đây em không nghĩ đa dạng đến vậy”.
Kho đọc “mở” của Thư viện tỉnh ra đời xuất phát từ ý tưởng xây dựng không gian thỏa mãn đam mê đọc sách, mở rộng đối tượng bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, tạo điều kiện cho đông đảo thanh niên, sinh viên, bạn đọc giao lưu, học hỏi, mở rộng kiến thức. Nhờ vậy, sách cũng được quay vòng, lật mở và đọc nhiều hơn, lan tỏa tri thức, phát huy giá trị sử dụng. Trước đây có nhiều sách hay, giá trị mà độc giả có thể chưa tiếp cận, thông qua việc bạn đọc tự vào kho tìm chọn mà nhiều cuốn được biết đến, tìm đọc nhiều hơn. Ông Nguyễn Hồng Giang - Trưởng phòng Nghiệp vụ (Thư viện tỉnh) cho biết: “Kho đọc “mở” phần nào giúp xóa bỏ rào cản hành chính, để người dân thoải mái tìm đến với Thư viện, với sách nhiều hơn. Việc tổ chức sắp xếp lại kho sách hợp lý cũng mang lại hiệu quả tạo sự tương tác, gần gũi hơn với bạn đọc. Bởi vậy từ khi triển khai kho “mở” này đã đón gần 1.200 lượt bạn đọc (tính đến hết tháng 3/2023), tăng số lượt mượn đọc tại Thư viện so với trước đây”.
Việc duy trì phòng đọc “mở” không chỉ lan tỏa giá trị sách mà còn góp phần nâng cao ý thức sử dụng và trân trọng, giữ gìn sách của người đọc. Sau một thời gian hoạt động, kho đọc “mở” nhận được sự đón nhận tích cực của độc giả, Cùng với “mở” kho đọc, Thư viện tỉnh vẫn duy trì các hoạt động phục vụ bạn đọc: Phòng mượn thiếu nhi, phòng mượn người lớn, thư viện điện tử, triển lãm giới thiệu sách, điểm báo và điểm sách hàng tháng... Trong 3 tháng đầu năm, Thư viện tỉnh phục vụ 210.000 lượt độc giả đến đọc, mượn sách. Cùng với đó, những ngày vừa qua, các chuyến xe tri thức, phục vụ thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viện tỉnh đã đến khắp các địa bàn, nhất là các trường học vùng sâu, vùng xa khó khăn của hầu hết huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, chuyến xe đã mang sách đến với khoảng 70 trường học, cho trên 30.000 học sinh các cấp.
Với các hoạt động được triển khai, Thư viện tỉnh không chỉ xứng đáng là nơi lý tưởng thoả mãn đam mê bất tận cùng những trang sách, mà còn giúp cho phong trào đọc sách của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.