Lễ tra hạt đầu năm mới nét văn hóa độc đáo của người Khơ Mú

08:48 - Thứ Năm, 04/05/2023 Lượt xem: 3941 In bài viết

ĐBP - Người Khơ Mú là 1 trong 14 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện còn bảo lưu, trao truyền được nhiều phong tục, tập quán rất đặc sắc. Trong đó có Lễ hội “Tăng rôi pư chui ngo sừm la” hay còn gọi là Lễ Tra hạt - một nghi lễ nông nghiệp quan trọng, đậm bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống của người Khơ Mú.

Thầy cúng chuẩn bị thực hiện Lễ cúng tra hạt trên nương.

Lễ Tra hạt là nét sinh hoạt văn hóa dân gian, đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú ở Tây Bắc. Đây chính là sản phẩm tinh thần của dân tộc Khơ Mú trong lịch sử phát triển và hình thành, với mục đích để cầu xin các vị thần linh, đất trời phù hộ cho hoa màu tốt tươi, mùa màng bội thu, qua đó tạo khí thế, hy vọng vào năm mới, đầu vụ mới với ước vọng ngày một ấm no, đầy đủ, tốt đẹp hơn, thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào cuộc sống và thiên nhiên.

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Khơ Mú quan niệm vạn vật hữu linh, thiên nhiên xung quanh chúng ta như trời, đất, nương, rẫy... đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú, Lễ Tra hạt nhằm cầu cúng thần linh, thần rừng, thần sông, thần suối, những linh hồn không nơi nương tựa, những người chết bất đắc kỳ tử, chết không có mồ mả về hưởng lễ và che chở, phù hộ cho dân bản mạnh khỏe. Lễ tra hạt có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, để cho cây lúa, cây ngô, khoai sắn tươi tốt, bông to, hạt chắc đầy bồ, cây cối đồi núi xanh tươi, hạn chế lũ lụt, hạn hán. Nghi lễ truyền thống này có từ xa xưa, gắn bó với đời sống kinh tế, văn hóa nông nghiệp của người Khơ Mú. Đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe nhau để chuẩn bị tâm thế bước sang một mùa vụ mới.

Theo ông Lý Văn Khắm, thầy cúng bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo: Lễ Tra hạt thường được tổ chức vào tháng 4 dương lịch (tức tháng 3 âm lịch), là thời điểm bắt đầu gieo trồng mùa vụ mới. Lễ diễn ra trong một ngày nhưng không trùng với ngày kiêng kỵ của gia đình chủ nương và gia đình thầy cúng. Người làm thầy cúng là người có am hiểu về các nghi lễ cúng truyền thống đứng ra thực hiện các nghi thức, nghi lễ cúng mời các vị thần linh liên quan đến Lễ Tra hạt. Thầy cúng là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành giúp thực hiện các nghi lễ cúng mời thần linh về dự lễ và được coi là chiếc cầu nối giữa thế giới trần gian với thế giới thần linh”.

Để nghi lễ diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, trước khi tổ chức lễ hội khoảng một tháng (thời gian bắt đầu thu dọn nương rẫy) các gia đình, dòng họ sẽ họp bàn và thống nhất việc chọn ngày tốt, ấn định ngày tổ chức lễ, chuẩn bị đóng góp các lễ vật, phân công công việc tổ chức cúng Lễ Tra hạt. Theo quan niệm của đồng bào, càng nhiều người tham gia thì lễ hội càng đông vui, năm đó gia đình chủ lễ sẽ thu hoạch được năng suất lao động cao, mùa màng bội thu. Đặc biệt, trong ngày tổ chức lễ, đồng bào Khơ Mú quan niệm rằng không được cãi cọ, gây mất đoàn kết, sẽ làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của lễ hội.

Để thực hiện lễ cúng, gia chủ phải chuẩn bị các đồ dâng lễ gồm: 1 con chó, 2 con gà trống lông đỏ, rượu, nước, chè, hoa quả, thuốc lá, một bó hương, hai nến sáp ong, hai gói xôi; 2 bộ quần áo truyền thống của dân tộc Khơ Mú (gồm 1 bộ nam, 1 bộ nữ), vải trắng và vải dệt thổ cẩm, khăn piêu, túi đeo... và đặc biệt là hạt giống, có thể dùng hạt thóc hoặc ngô cùng vật dụng không thể thiếu là gậy chọc lỗ tra hạt. Lễ vật càng to càng thể hiện quy mô của lễ hội cũng như sự sung túc của gia chủ. Thầy mo thay mặt dân bản cầu khấn thần linh. Lúa giống dùng để tra hạt phải được sàng sẩy sạch sẽ rồi phơi khô đảm bảo không mối mọt, không bị lép mới được đem ra gieo trồng. Việc gieo trồng ở đây mang tính cộng đồng cao, mọi người đi giúp nhau, đổi công cho nhau. Việc được hay mất mùa cũng tùy thuộc vào hướng gieo trồng của mỗi một dòng họ. Đồng bào quan niệm mỗi dòng họ có một hướng gieo trồng khác nhau, không họ nào được phép đi theo hướng gieo trồng của dòng họ khác.

Lễ Tra hạt là đặc trưng của cuộc sống muôn sắc màu, đầy những âm thanh tuyệt diệu của tự nhiên. Đặc sắc nhất có thể nói đến vũ điệu múa tăng bu, tăng bẳng, tiếng Khơ Mú còn gọi là tẹ ôm đing, tẹ ôm đêng. Chị Lò Thị Xuân, người dân bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn chia sẻ: “Đối với người Khơ Mú, múa tăng bẳng, tăng bu là thể hiện sự hài hòa giữa nam và nữ, họ sánh đôi cùng múa một cách nhịp nhàng. Không chỉ vậy, đó còn là sự kết hợp giữa âm và dương, điệu múa mang ý nghĩa phồn thực, cầu cho sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Sau phần lễ, bà con dân bản kéo về nhà thầy cúng để giao lưu, chơi hội. Những chàng trai, cô gái Khơ Mú nhảy múa, hát ca, cùng ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa. Kết thúc, bà con Khơ Mú lại trở về với cuộc sống lao động bình thường, tích cực tham gia lao động sản xuất, tạo khí thế và hy vọng vào năm mới, đầu vụ mới với ước vọng cuộc sống ngày một ấm no, đầy đủ và tốt đẹp hơn”.

Ngày nay, phương thức canh tác theo hình thức chọc lỗ tra hạt không còn phổ biến, nhưng điệu múa tra hạt thì vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa của đồng bào. Múa tra hạt không chỉ hạn chế trong một gia đình hay dòng họ, mà nó là ngày hội chung của cả bản, cả vùng.

Lường Phượng
Bình luận

Tin khác

Back To Top