ĐBP - Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, dân tộc Mông chiếm đến 69,18%, có 5 nhóm (Mông Đen, Mông Đỏ, Mông Trắng, Mông Xanh, Mông Hoa), trong đó nhóm dân tộc Mông Hoa (Mông Lềnh) sinh sống chủ yếu ở các xã Nậm Tin, Chà Cang, Nà Khoa... Cùng với các nhóm Mông khác, người Mông Hoa vẫn giữ được nhiều nét phong tục tập quán độc đáo. Một trong những nét đẹp đó là việc thêu, may các bộ trang phục dân tộc phụ nữ Mông Hoa rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hàng năm, khi thóc lúa đã đầy nhà, củi chất đầy sân, cánh đàn ông sửa soạn lại chiếc khèn, cây sáo thì cũng là lúc chị em phụ nữ dân tộc Mông Hoa ngồi thêu thùa, may vá hoàn thiện những bộ váy áo sặc sỡ kịp đón tết. Người Mông quan niệm, ngày tết phải mặc đồ mới để đón chào một năm nhiều may mắn và thành công. Bà Vàng Thị Dính, bản Huổi Chá, xã Chà Cang trong tay đang thêu bộ váy đủ sắc màu phấn khởi chia sẻ: “Với dân tộc Mông chúng tôi, phụ nữ phải biết thêu và phải có nhiều bộ trang phục, nhưng để có chiếc váy đẹp mất rất nhiều thời gian. Nên chị em chúng tôi thường tranh thủ thời gian rỗi, sau khi thu hoạch mùa màng để thêu may”.
Trang phục của người phụ nữ Mông Hoa gồm: Khăn đội đầu, áo xẻ ngực, váy, xà cạp lưng, xà cạp chân... Khăn đội đầu thường dùng khăn hình chữ nhật quấn lại thành hình mỏ quạ. Áo phụ nữ Mông Hoa thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc, đây là một trong những phần khó nhất của bộ trang phục, chỉ có thợ may lành nghề mới có thể làm được. Đối với áo đi hội thường được đính hạt cườm để tăng thêm vẻ đẹp. Váy của phụ nữ Mông Hoa thường có hình nón cụt, phần eo hông bó sát, phần thân váy xòe do kỹ thuật xếp nếp độc đáo, phần hoa văn thêu tay với màu sắc sặc sỡ sẽ được may giữa thân váy để làm điểm nhấn. Xà cạp lưng thường được dùng để cố định váy khi mặc, ngoài ra người phụ nữ Mông Hoa còn sử dụng thêm 2 xà cạp ngang đùi có hình chữ nhật để đeo trước và sau váy. Còn xà cạp chân được dùng quấn quanh chân để tạo độ vững chắc và thon gọn cho đôi chân người phụ nữ. Hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trên trang phục phụ nữ Mông Hoa. Nhiều phụ nữ Mông trên địa bàn huyện vẫn giữ được kỹ thuật thêu khá tinh tế bằng cách thêu hình chữ thập (+) và thêu chéo mũi (x) trên các nền vải đã định hình sẵn các bộ phận của váy, áo với các loại hình xoắn ốc, hình mâm xôi, hoa đào... Các hoa văn, họa tiết được thêu, may bằng các loại chỉ màu đỏ, màu xanh, màu vàng, màu trắng là chủ yếu... Trong đó, màu đỏ giữ vai trò chủ đạo, vừa làm màu nền trung gian vừa tạo các họa tiết chính, phối với màu xanh, vàng hoặc trắng nhằm tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng cho bộ trang phục.
Trước kia, phụ nữ Mông Hoa dùng nguyên liệu tự nhiên là cây lanh để dệt vải. Nhưng nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó những bộ trang phục ngày nay thường dùng vải công nghiệp để làm trang phục, nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các họa tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống.
Là một trong những người may vá thêu thùa có tiếng, chị Thào Thị Dùa, bản Huổi Chá, xã Chà Cang chia sẻ: “Tôi rất tự hào về bộ trang phục của phụ nữ Mông Hoa, ngay từ nhỏ tôi đã được mẹ cầm tay chỉ dạy cách thêu, phối chỉ các hoa văn trên váy áo, rồi lớn dần mẹ cũng dạy cách may hoàn chỉnh một bộ trang phục. Đến khi đi lấy chồng, tôi cũng tự tay làm những bô trang phục cho các con và chồng mỗi độ tết đến xuân về, tôi cảm thấy rất hãnh diện và vui khi được nhìn chồng và các con diện những bộ trang phục do chính bàn tay tôi làm ra”. Ngày nay, xã hội hiện đại, ngành công nghiệp may mặc, in hoa văn phát triển, các bộ trang phục dân tộc cũng được in và sản xuất với nhiều mẫu mã cách tân đa dạng, đáp ứng được nhu cầu mặc đẹp của các chị em phụ nữ Mông. Cùng việc tiếp nhận những cái mới, chị em phụ nữ Mông Hoa huyện Nậm Pồ vẫn giữ gìn việc may, thêu vá các bộ trang phục truyền thống để lưu giữ và truyền dạy lại cho con cháu.