Khám phá di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

16:20 - Thứ Sáu, 12/05/2023 Lượt xem: 5850 In bài viết

Mang ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng Đông Nam Á. Trước những giá trị nổi bật toàn cầu của một di sản văn hóa cần phải được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại, ngày 4/12/1999, Di tích này được Uỷ ban Văn hoá Khoa học Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Khu di tích Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam. Di tích tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm ở tỉnh Quảng Nam, được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân). 

 Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm, hùng vĩ.

Nơi đây, 70 công trình đền tháp kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của nền văn minh Chămpa, được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Borobudur (Indonesia), Pagan (Myanmar), Angkor Wat (Campuchia), là kết tinh của những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong suốt chiều dài 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII). Mặc dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.

Với lịch sử xây dựng và phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ, các đền tháp thể hiện sự đa dạng các phong cách kiến trúc nhưng nhìn chung đều ở tư thế cao vút biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêra, nơi cư ngụ của các vị thần và là trung tâm của vũ trụ. Những di tích của khu đền tháp Mỹ Sơn là những công trình quan trọng nhất của nền văn hóa Chămpa. Hầu hết các công trình được kết cấu bằng gạch nung với trụ đá và trang trí những phù điêu sa thạch thể hiện các giai thoại Ấn Độ. Minh chứng kỹ thuật của đền tháp là sự hiện hữu của các kỹ xảo Chăm trong khi sự biểu trưng của các họa tiết và biểu tượng của đền tháp ẩn chứa trong đó nội dung các giai đoạn chính trị và tôn giáo Chămpa.

Trong số các dạng kiến trúc tháp Chăm, kiến trúc dạng quần thể thánh địa Mỹ Sơn là độc đáo và hiếm có. Được bố trí theo cụm, từ hai hoặc nhiều tháp. Có tường bao, sân, đường đi nối các tháp với nhau. Mỗi tháp có mỗi chức năng riêng. Tập trung thành từng nhóm, trong đó có đền thờ chính nằm ở giữa, mỗi nhóm đều được bao quanh bởi những bức tường khá dày cũng bằng gạch. Cửa chính của tháp chính phần lớn quay về hướng Đông (hướng về thần linh). Một vài tháp lớn chính có thêm cửa hướng Tây. Trước mặt đền thờ chính (Kalan) là một tháp cổng (Gopura) với cấu trúc nhỏ của hai cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính, tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài (Mandapa) có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong lễ cúng hiến cho thần linh.

 Khu di tích Mỹ Sơn nhìn từ trên cao.

Được xây dựng liên tục suốt từ thế kỷ IV cho đến giữa thế kỷ XIII, các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc chính thống của quốc gia và đều do các đời vua trị vì xây dựng, vì vậy có thể nói rằng đền tháp là nơi tập trung những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật đương thời với những dạng thể kiến trúc độc đáo. Hầu hết các phong cách kiến trúc đền tháp Chăm đều có mặt ở Mỹ Sơn và chính bản thân các đền tháp ở Mỹ Sơn lại tạo nên những tiêu chí cơ bản cho việc nhận diện phong cách kiến trúc nghệ thuật Chăm.

Theo thời gian, qua giao tiếp với các nền văn minh khác và sự tiếp nhận chọn lọc của người nghệ sỹ Chămpa, đền tháp tại Mỹ Sơn mang những đường nét kiến trúc theo các thời kỳ khác nhau thể hiện các luồng văn hóa mà họ tiếp nhận. Là khu đền thờ chính của vương quốc trong suốt chín thể kỷ, nên các đền tháp của Mỹ Sơn cũng thể hiện tính thăng trầm của các thời kỳ, những thay đổi trong lịch sử của các vương triều, những chuyển biến trong đời sống văn hóa.

Không đồ sộ kỳ vĩ như các quần thể, di tích Chămpa khác nhưng Mỹ Sơn vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong nên nghệ thuật Đông Nam Á bởi nó là khu di tích duy nhất của cả khu vực có thời gian phát triển liên tục gần 9 thế kỷ, kiến trúc của Mỹ Sơn đã chắt lọc được những tinh hoa của người nghệ sỹ, sự kết hợp giữa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí người Chămpa xưa đã tạo cho các đền tháp một vẻ uy nghiêm và kỳ bí.

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top