Phụ nữ Mường Nhé biến rác thải thành tiền

08:55 - Thứ Tư, 05/04/2023 Lượt xem: 4084 In bài viết

ĐBP - Đứng trước khó khăn về nguồn quỹ hoạt động cho cấp hội ở cơ sở, Hội LHPN huyện Mường Nhé đã xây dựng mô hình thu gom phế liệu “Biến rác thải thành tiền” tại 22 chi hội trong toàn huyện. Bước đầu, mô hình đã mang lại những thành công nhất định khi vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho phụ nữ nông thôn vừa hỗ trợ được nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hội viên Chi hội phụ nữ bản Mường Nhé mới đóng góp phế liệu tham gia mô hình “Biến rác thải thành tiền”.

Với nhiều gia đình nông thôn vùng cao ở Mường Nhé, rác thải sinh hoạt theo thói quen thường vứt bừa bãi xung quanh nhà, trong vườn… chưa được thu gom đúng cách, vừa gây ô nhiễm vừa lãng phí bởi nhiều loại rác thải vẫn có thể tái chế sử dụng. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Mường Nhé nảy ra sáng kiến tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi đó để gây quỹ cho hoạt động của cấp hội cơ sở. Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé cho biết: “Với đặc thù huyện biên giới khó khăn, các cấp hội cơ sở hầu như không có quỹ, trong khi huy động chị em đóng góp thì chưa có điều kiện. Thế nên vấn đề đặt ra suốt nhiều năm qua là làm thế nào chị em có một khoản kinh phí để thăm hỏi, động viên nhau hoặc tổ chức các hoạt động vào dịp lễ, tết... Ban Thường vụ Hội cũng đã nghiên cứu và nhận thấy mô hình thu gom phế liệu để bán lấy tiền gây dựng quỹ là một phương án khả thi. Mô hình vừa có thể giúp đỡ hội viên nghèo, đồng thời nâng cao ý thức cho hội viên phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, hình thành thói quen thu gom, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế nên bước đầu, Hội triển khai mô hình điểm tại bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé. Nếu thấy hiệu quả, sẽ tiếp tục nhân rộng ra toàn huyện…”.

Chi hội phụ nữ bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé là nơi mô hình “Biến rác thải thành tiền” được xây dựng điểm đầu tiên trong toàn huyện. Đến nay, đây cũng là mô hình đang hoạt động hiệu quả nhất. Từ khi tham gia mô hình thu gom phế liệu, biến rác thải thành tiền, phụ nữ bản Mường Nhé mới dần hình thành thói quen thu gom, phân loại phế liệu, rác thải góp phần giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường sống và đóng góp gây quỹ để hỗ trợ các hội viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong bản. Rác thải sinh hoạt được các hội viên phân loại tại nhà, hàng tháng lại tập trung những loại có thể tái chế bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Chị Khoàng Thị Chăng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường Nhé mới cho biết: “Mô hình được triển khai thí điểm tại bản từ tháng 6/2022, đến nay cũng được gần 1 năm. Rác thải sinh hoạt được các hộ viên phân loại tại nhà, hàng tháng lại tập trung những loại có thể tái chế bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Không chỉ tận dụng phế liệu của gia đình mà trong quá trình đi lao động, sản xuất còn thu gom thêm ở trên địa bàn. Bởi thế, tham gia mô hình vừa dọn dẹp sạch sẽ cho gia đình mình gìn giữ cảnh quan chung, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới lại không phải đóng góp nhưng vẫn có nguồn quỹ để hoạt động nên tất cả chị em ai cũng nhiệt tình tham gia…”.

“Có tháng, chị em thu gom phế liệu bán được 700 nghìn đồng. Chị em ai cũng phấn khởi. Đến nay, mô hình của chi hội đã gây dựng được hơn 5 triệu đồng tiền quỹ. Với số tiền này, Chi hội tổ chức thăm hỏi các trường hợp hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó với nhiều phần quà trị giá từ 250 - 300 nghìn đồng. Số tiền còn lại Chi hội sử dụng để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đẩy mạnh các phong trào phụ nữ tại thôn bản.” - Chị Khoàng Thị Chăng chia sẻ.

Sau một thời gian triển khai, từ mô hình điểm tại bản Mường Nhé mới, mô hình “Biến rác thải thành tiền” được Hội LHPN huyện Mường Nhé nhân rộng ra 22 chi hội, tại 9/11 xã trong toàn huyện. Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền các mô hình thu được khoảng trên 20 triệu đồng; trong đó, gây quỹ được nhiều nhất là 4 mô hình tại xã Mường Nhé với số tiền hơn 17 triệu đồng. Bà Phạm Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé cho biết thêm: Trong thời gian tới Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn huyện. Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới nên mỗi chi hội đều nên có 1 mô hình. Tuy nhiên, trong thực tế với một số xã khó khăn, như: Huổi Lếch, Nậm Vì… số lượng phế liệu ít, người đến thu mua cũng không đều nên triển khai mô hình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các xã khác. Ban Thường vụ Hội LHPN huyện cũng sẽ nghiên cứu giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đó để mô hình có thể hoạt động hiệu quả tại các xã này”.

Những việc tuy nhỏ của hội viên phụ nữ thông qua mô hình thu gom phế liệu, biến rác thải thành tiền không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ phụ nữ trong các công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng nếp sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại mảnh đất cực Tây Tổ quốc.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top