Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

07:53 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 4989 In bài viết

ĐBP - Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn nạn săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, song mỗi năm, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh vẫn phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Theo đó, để ngăn chặn tình trạng trên, cần có cả cộng đồng chung tay vào cuộc với các hành động thiết thực.

Ông Đinh Văn Thúy (áo trắng) bàn giao cá thể cu li lớn cho lực lượng chức năng.

Cuối tháng 7/2022, Công an thị xã Mường Lay đã phát hiện bắt giữ Vàng A Nô, trú tại bản Nậm Vạc 1, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đang có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép 6 cá thể don (nhím đuôi dài) hoang dã. Theo khai nhận của Nô, đã mua số cá thể don trên tại khu vực xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ vận chuyển về Lai Châu để bán kiếm lời.

Trước đó, ngày 17/3/2022, tại nhà riêng của Lường Văn Anh trú tại bản Yên Cang 2, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, Công an huyện Điện Biên phát hiện, bắt quả tang Lường Văn Anh đang cùng 2 đối tượng là Ngô Sỹ Thành và Ngô Sỹ Tiến dùng kích điện và dao để giết 1 cá thể hổ thuộc nhóm 1B danh mục bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng tiến hành thu giữ một cá thể hổ nặng khoảng 220kg đã chết, 3 con dao, 1 bộ kích điện, 1 xe ô tô và nhiều vật chứng có liên quan. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận mua cá thể hổ sống tại Nghệ An, sau đó dùng xe ô tô vận chuyển về Điện Biên giết thịt để nấu cao bán kiếm lời.

Gần đây nhất, ngày 22/3/2023, tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên khi kiểm tra tại khu vực Đền Hoàng Công Chất, bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên đã phát hiện 4 người dân đang bày bán trái pháp luật tổng cộng 200 cá thể chim di đá (tên khoa học Lonchura). Tại thời điểm kiểm tra, 4 người dân có tên trên không xuất trình được giấy tờ liên quan đến toàn bộ số chim này. Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên phối hợp với đơn vị liên quan lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm. Ngày 23/3/2023, toàn bộ số cá thể chim trên đã được lực lượng chức năng thả về môi trường tự nhiên.

Dù pháp luật đã nghiêm cấm hành vi buôn bán động vật hoang dã, song với những “lợi nhuận” từ việc mua bán trái phép động vật hoang dã mang lại, những năm qua, tình trạng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Từ năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 151 vụ vận chuyển, tàng trữ và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng. Trong đó, xử lý hình sự 1 vụ và 137 vụ xử phạt hành chính. Tang vật thu giữ gồm: Chim khướu bạc má, chào mào, họa mi, cầy vòi mốc, cầy giông sọc, don (nhím đuôi dài), vẹt đầu xám, nhím, chim kim oanh tai bạc, chích choè lửa, chim di, chích chòe than, trăn đất, cầy hương…

Cá thể cu li được người dân phát hiện.

Ông Trần Đức Quyền, Phó trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trước thực trạng trên, với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc", lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là kiểm lâm địa bàn các xã có rừng tự nhiên đã phối hợp với công an xã, dân quân tự vệ thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện, tháo gỡ, tiêu hủy các loại bẫy; thu giữ các loại súng săn trái phép; ngăn chặn các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, cất giữ, vận chuyển, mua, bán trái phép động vật rừng trên địa bàn quản lý. Thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã hợp pháp để hợp lý hóa động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp. Theo đó, tính từ năm 2022 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức 98 cuộc kiểm tra các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.

Cùng với các giải pháp trên, xác định sự chung tay của cả cộng đồng là một trong những yếu tố then chốt trong bảo vệ động vật hoang dã, do vậy công tác tuyên truyền cũng là giải pháp được lực lượng kiểm lâm chú trọng thực hiện. Trong năm 2022 và từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã tổ chức được 1.265 lượt với hơn 64.900 lượt người tham gia; tổ chức in, cấp phát 2 đợt gồm 7.500 Poster khổ A2, 5.500 tờ rơi để tuyên truyền tại cấp xã, cấp thôn, bản, tổ dân phố. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; từ đó, làm thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất của chúng.

Điển hình gần đây nhất ngày 17/4/2023, sau khi phát hiện một cá thể cu li lớn (tên khoa học là Nycticebus bengalensis), ông Đinh Văn Thúy, trú tại tổ dân phố 6, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ đã nhanh chóng báo cho lực lượng chức năng. Cùng ngày, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời, tiếp nhận, chăm sóc, quản lý theo quy trình, quy định đối với cá thể cu li lớn trên.

Thực thế cho thấy, để bảo vệ động vật hoang dã, ngoài những nỗ lực quản lý, bảo tồn của lực lượng chức năng, rất cần những “cái bắt tay” trách nhiệm từ cộng đồng. Và chỉ khi mỗi chúng ta xác định được trách nhiệm này không của riêng ai thì hệ sinh thái rừng tự nhiên cùng những cá thể động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh mới được bảo tồn, duy trì và ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top