Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

Trước hết là nhận thức

08:18 - Thứ Tư, 26/04/2023 Lượt xem: 3294 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn lao động, nhất là ở khu vực không có hợp đồng lao động. Một trong những nguyên nhân là do người lao động và chủ sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); còn chủ quan, lơ là, làm ẩu, vi phạm quy trình, quy phạm, biện pháp an toàn lao động.

Để giảm thiểu tai nạn lao động, trước hết cần nâng cao ý thức của người sử dụng lao động và người lao động. Trong ảnh: Các đơn vị thi công Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Điển hình là qua kiểm tra công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Đại Dương (thời điểm tháng 6/2022), Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Điện Biên đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập trong việc chấp hành pháp luật về lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Theo đó, trong công tác tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, từ năm 2021 đến thời điểm thanh tra, doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện cho người lao động theo quy định; chưa xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; chưa bố trí cán bộ làm công tác y tế hoặc hợp đồng với các trung tâm y tế gần nhất tại doanh nghiệp. Trong công tác thực hiện pháp luật về an toàn khai thác khoáng sản, thời điểm kiểm tra doanh nghiệp chưa đặt sàn đỡ có bề rộng tối thiểu là 1m khi tiến hành các thao tác thủ công ở trên sườn dốc có độ cao trên 3m; chưa có biển cấm người và máy móc làm việc tại vị trí theo phương thẳng đứng ở tầng trên và tầng dưới liền kề hoặc những nơi có đá treo.

Doanh nghiệp nêu trên chỉ là một trong số các đơn vị sản xuất được Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh phát hiện vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Để giảm thiểu số vụ tai nạn lao động và nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATVSLĐ, hàng năm Sở Lao động, Thương binh - Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành và các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện về công tác quản lý ATVSLĐ, các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện lao động và giám sát môi trường lao động… Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật An toàn vệ sinh lao động.

Tuy nhiên trên thực tế công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế yếu kém: Vẫn có những doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực hiện đầy đủ công tác ATVSLĐ; người sử dụng lao động và người lao động nhận thức về tầm quan trọng cũng như mục đích, ý nghĩa của việc đảm bảo ATVSLĐ còn hạn chế… nên số vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra ở ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Trong năm 2022, tại khu vực có quan hệ lao động xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm chết 1 người và 1 người bị thương nặng; tại khu vực không có hợp đồng lao động đã xảy ra 76 vụ tai nạn lao động, làm chết 3 người và 39 người bị thương nặng. Mới đây nhất, tại công trình Hồ Ẳng Cang, thuộc xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng vừa xảy ra một vụ tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong (thuộc Công ty Cơ Khí thủy lợi Hải Dương).

Để xảy ra tai nạn lao động, trước hết do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người lao động có nơi, có lúc chưa nghiêm; trong quá trình lao động sản xuất còn vi phạm các quy trình quy phạm, biện pháp an toàn. Một số công ty, doanh nghiệp chưa xây dựng, chưa ban hành kế hoạch công tác an toàn lao động của đơn vị; chưa bố trí nguồn lực, nhân lực để triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ. Cán bộ, người lao động làm việc thiếu trang thiết bị phòng vệ cho bản thân, chủ doanh nghiệp và cán bộ của doanh nghiệp chưa được đi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nên thiếu các biện pháp đảm bảo công tác ATVSLĐ tại đơn vị. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy trình, quy phạm về ATVSLĐ trong đơn vị.

Để nâng cao chất lượng ATVSLĐ các cấp, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ. Tổ chức công đoàn các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; đảm bảo chính sách lao động, ATVSLĐ. Cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai đầy đủ, kịp thời Luật An toàn vệ sinh lao động đến các cấp, ngành, các thành phần kinh tế và người lao động, kể cả người làm việc không theo hợp đồng lao động. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn các đơn vị công tác tự kiểm tra về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ; cải thiện môi trường, điều kiện lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động xảy ra. Đồng thời, bản thân người lao động cần nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống tai nạn, thương tích trong lao động; luôn tuân thủ đúng các quy trình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top