Kỹ năng - “chìa khóa” cho lao động trong thời kỳ mới

08:31 - Thứ Sáu, 28/04/2023 Lượt xem: 3127 In bài viết

ĐBP - Kỹ năng được coi là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, từ đó góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo. Do đó việc tạo nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, vững tay nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường là vấn đề cần được quan tâm với giải pháp cụ thể, đồng bộ.

Hội viên nông dân bản Phiêng Ban, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên học nghề trồng nấm. Ảnh: Văn Tâm

Sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cơ cấu lao động dịch chuyển rất nhanh; những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động sẽ dần mất đi, thay vào đó là những ngành nghề mới đòi hỏi người lao động phải có trình độ nhất định... Xu hướng này sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản trong thị trường lao động, đặc biệt với lao động ở vùng nông thôn. Giai đoạn 2015 - 2020, cả nước đã tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động. Nhờ đó, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Tuy có được nhiều kết quả khả quan, nhưng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần thẳng thắn nhìn nhận, thị trường lao động đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Để nền kinh tế phát triển thì bắt buộc thị trường lao động cũng phải phát triển tương ứng, thậm chí phải đi trước một bước nhằm đón đầu cơ hội. Đồng thời, sự thanh lọc của thị trường lao động sẽ ngày càng khắc nghiệt, do đó yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Năm 2022, Điện Biên có 9.038 lao động được đào tạo nghề, tăng 10,42%; giải quyết việc làm mới cho 10.638 lao động, tăng 17,73% so với năm 2021, góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề từ các chương trình mục tiêu với sự tích cực chủ động vào cuộc của các cấp ngành, địa phương số người lao động được đào tạo nghề và được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tay nghề tăng rõ rệt. Đặc biệt qua các phiên giao dịch việc làm di động tổ chức tại các huyện, ngoài có cơ hội tìm được việc làm phù hợp, người lao động còn được tư vấn đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Sau quá trình đào tạo nhận thức của người lao động được thay đổi, có phương pháp làm việc khoa học, hiệu suất lao động tăng rõ rệt.

Điện Biên là địa phương có tiềm năng, lợi thế mạnh phát triển du lịch, số lượng lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch lên tới hàng nghìn người. Những năm qua ngành Du lịch Điện Biên đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch triển khai nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là liên kết với các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị đào tạo nghề du lịch, Tổng cục Du lịch, các chuyên gia đào tạo về du lịch tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý du lịch, trình độ tổ chức các hoạt động marketing, xúc tiến du lịch đối với cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề du lịch, kỹ năng giao tiếp, thuyết minh hướng dẫn và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch, các bản văn hóa du lịch trên địa bàn.

Để trở thành nhân lực có kỹ năng, người lao động cần chủ động thích ứng bằng nhiều cách, trong đó cần chú trọng tham gia đào tạo hoặc đào tạo lại nghề nghiệp. Về phía người sử dụng lao động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở các lớp đào tạo mới hoặc đào tạo lại cho người lao động. Cần ưu tiên, chú trọng tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Trong đó, chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các địa phương có nguồn lao động lớn để điều tiết nguồn nhân lực hợp lý. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, bản thân mỗi người lao động cũng cần ý thức về tầm quan trọng của việc không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, tay nghề - cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm - để đáp ứng những đòi hỏi mới ngày càng cao.

Bình Nguyên (tổng hợp)
Bình luận

Tin khác

Back To Top