Đẩy mạnh phong trào thi đua vì người nghèo

07:36 - Chủ Nhật, 30/04/2023 Lượt xem: 3216 In bài viết

ĐBP - Thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025; thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, tập thể tạo khí thế thi đua sôi nổi. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tủa Chùa trao nhà hỗ trợ theo Chương trình “Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội” cho hộ nghèo xã Tủa Thàng.

Được phát động từ năm 2016, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thực sự đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa sâu rộng. Tại tỉnh Điện Biên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các ban ngành, địa phương đã phối hợp tuyên truyền, tích cực thực hiện phong trào thi đua và mục tiêu giảm nghèo thông qua cuộc vận động Ngày vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội, tổ chức thực hiện Tháng cao điểm vì người nghèo hàng năm tạo nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa.

Với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai, cụ thể hóa gắn với tình hình thực tế địa phương; đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách của Trung ương về giảm nghèo, an sinh xã hội, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo. Bám sát tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng với cả nước, Điện Biên đã từng bước vượt qua khó khăn, chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo. Đến hết năm 2022, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 41.997 hộ (giảm 4.185 hộ nghèo so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện xuống 44,61% (giảm 6,04% so với năm 2021).

Tại huyện Tủa Chùa, để góp phần thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã phát động phong trào thi đua Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2021 - 2025 bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ông Nguyễn Duy Hiệp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Huyện đẩy mạnh thi đua phát huy sáng kiến, đề xuất giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo; huy động các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp hỗ trợ địa phương và hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, chú trọng hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; có chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Hàng năm, việc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” trên địa bàn tỉnh đã trở thành hoạt động thường xuyên, mang lại hiệu quả tích cực. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, tháng 3 vừa qua, Tỉnh ủy Điện Biên tiếp tục triển khai chương trình Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội năm 2023. Theo kế hoạch, 100 hộ nghèo trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên và Mường Ảng sẽ được hỗ trợ làm nhà ở, với tổng kinh phí thực hiện 5 tỷ đồng. Trong quý I/2023, nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo cũng được triển khai hiệu quả như: Hỗ trợ 43.247 suất quà tết cho gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 15,2 tỷ đồng; phân bổ làm 17 nhà Đại đoàn kết trị giá 855 triệu đồng... Các nguồn quỹ đều được sử dụng công khai, minh bạch, dân chủ, tuân thủ chặt chẽ quy chế quản lý Quỹ.

Với sự vận động tích cực của Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân đã đóng góp trực tiếp, gián tiếp bằng nhiều việc làm thiết thực, như hiến đất, ủng hộ tiền, vật tư, ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn; giúp nhau về vốn, con giống, kỹ thuật nuôi trồng, giới thiệu việc làm... góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, nông thôn, đường làng ngõ phố xanh - sạch - đẹp khang trang, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, người dân ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ngày càng nâng cao đời sống...

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top