Tình người ở Leng Su Sìn

06:49 - Thứ Ba, 02/05/2023 Lượt xem: 3439 In bài viết

ĐBP - Xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé “hội tụ” đầy đủ cái khắc nghiệt của thời tiết: Mùa đông sương muối, rét tê tái, mùa hè thì nắng nóng, bỏng rát gió Lào. Ở vùng đất số hộ nghèo còn chiếm tới hơn 60%, thì con đường đến trường của các em nơi đây rất gian khó. Và các thầy, cô giáo phải là những người rất tâm huyết với vùng cao mới duy trì việc học và nuôi dạy cho các cháu.

Những gương mặt học trò ở điểm trường Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn.

Ấp ủ đã lâu qua những năm chống đại dịch, giữa tháng 3/2023, nhóm cán bộ y tế Hà Nam và một số bạn đã có chuyến đi thiện nguyện thật ý nghĩa tới Leng Su Sìn. Chuyến đi đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc với những dấu ấn tốt đẹp trên hành trình đi đến vùng đất ngã ba biên, nơi cực Tây của Tổ quốc.

Sau 14 giờ xe chạy, cả đoàn được “nếm” một trận nhừ tử trên hành trình hơn nửa ngàn cây số, qua những con đèo nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa. Nhiều chị em nôn thốc tháo, mặt mũi nhợt nhạt. Tinh thần nhanh chóng thay đổi, ai nấy đều rạng rỡ khi trước mắt là hình ảnh ban nở trắng trời thủ phủ Điện Biên. Tuy nhiên chặng đường còn lại từ Mường Chà đi Mường Nhé mới thực sự là những cung đường... “miền núi”. Ngồi trong xe mà ai nấy cứ nghiêng bên này, ngả bên kia bởi những đoạn cua tay áo, tai ù dần. Nhìn xuống thung lũng bên đường chỉ thấp thoáng một màu trắng bạc. Chiếc xe nhọc nhằn lăn từng vòng bánh, tiếng máy rú lên, nhả ra những làn khói đen xì rồi bỗng dừng khựng lại. Trời mưa lâm thâm. Con đường khúc khuỷu, mặt đường nhầy nhụa, trơn trượt. Trong xe, mấy chị em nữ đang ngồi bên ta luy âm bỗng dần đổi chỗ sang phía ta luy dương, mắt nhắm nghiền để hình ảnh vực sâu... không lọt vào tầm mắt. Xe lấy đà leo qua những ụ đất nhão nhoét, mọi người mới thở phào như vừa thoát qua một... cung đường chết.

Trường Tiểu học Leng Su Sìn bỗng nhộn nhịp hẳn khi chiếc xe của đoàn dừng giữa sân. Những khuôn mặt trẻ thơ háo hức với ánh mắt tròn xoe, những cánh tay bé xíu chỉ chỏ... Nhìn ngôi trường khang trang giữa rừng xanh thẳm, ai nấy đều ấm lòng. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư thì biên cương vẫn là nơi gian khó nhất. Lên tận nơi, chứng kiến cuộc sống nơi đây mới thấm hết những khó khăn, nhọc nhằn của người vùng cao. Nhận chiếc máy giặt từ đoàn, cô Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng nhà trường bùi ngùi: Từ nay, các thầy cô giáo không phải mỏi tay giặt quần áo cho các cháu. Hằng ngày, ngoài việc dạy học, các thầy cô còn như người mẹ thứ hai chăm lo cho lũ trẻ, từ ăn uống, vui chơi, giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là lúc các cháu “trái gió, giở giời”. Theo cô Đào Thị Thoa, tổ trưởng nữ công: Vùng cao cái gì cũng thiếu, việc tìm hiểu văn hóa, cập nhật thông tin là rất khó khăn, đoàn hỗ trợ thư viện gần nghìn đầu sách, một cái ti vi để thầy trò cập nhật thông tin sau những giờ học là vô cùng thiết thực.

14 năm qua kể từ ngày nhen nhóm chuyến thiện nguyện đầu tiên lên Mà Xa Phìn (Lào Cai), Nguyễn Hồng Việt không nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu chuyến, nhưng với anh thì đây là chuyến có nhiều “kỷ lục” nhất: Số tình nguyện viên đông nhất, đi xa nhất và quyên góp được nhiều quà nhất, như: 2 ti vi 55i nch, 1 máy gặt 22kg và các nhu yếu phẩm cho trường cùng 500 suất quà cho các cháu. Cầm danh mục thuốc trên tay, bác sĩ Trần Đình Đức phấn khởi: Chuyến này nhận được sự chung tay của các tổ chức vượt xa dự kiến ban đầu, chỉ tính riêng tiền thuốc thôi cũng có trị giá 210 triệu đồng.

Tại sân trường, từng tốp học trò quây quanh các tình nguyện viên. Vân vê cành ban trắng trên tay, Quỳnh Hường - một tình nguyện viên “thế hệ 2K” trẻ nhất đoàn chăm chú nghe trẻ kể chuyện. Thì ra, ở xứ sở này, khái niệm “nhà giàu” trong mắt tụi nhỏ ngây thơ đến lạ, chỉ là bố mẹ của bạn này đi làm công nhân ở nơi xa, nhà bạn kia bán tạp hóa, hay bố mẹ bạn nọ làm giáo viên... Đặc biệt, trên các cung đường ở Leng Su Sìn, ai cũng ấn tượng với những đứa trẻ, chỉ cần thấy người lớn là “con chào cô, chú”, nhiều đứa lớn lớn trông nghịch ngợm nhưng vẫn không quên những câu chào lễ phép. Chỉ là điều nhỏ thôi nhưng ai cũng thấy ấm lòng, thấu hiểu được sự dạy dỗ nhọc nhằn của các thầy cô giáo và tấm lòng mến khách của những con người nơi đây.

Dạy ở Trường Tiểu học Leng Su Sìn có nhiều thầy cô là người dưới xuôi và các tỉnh khác. Cô hiệu trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng là người quê lúa Thái Bình lên gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao đã hơn 20 năm. Cô ngậm ngùi: Bám trụ lâu năm trên mảnh đất xa xôi này, lúc đầu cũng nhớ nhà, nhớ quê lắm. Trong trường, có rất nhiều thầy cô giáo để lại con thơ ở quê nhà, hằng ngày dạy dỗ, đem tình yêu thương chăm sóc những đứa trẻ ở bản nghèo xa lắc. Rồi, tình yêu trò cứ ngấm dần, ngấm dần như chất men làm nỗi khắc khoải nhớ quê cũng vơi dần theo năm tháng. Lâu dần, đã biến mảnh đất này thành quê hương thứ hai lúc nào không biết.

Phòng khám Đa khoa khu vực Leng Su Sìn đông nghịt, nét hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt người dân. Trong phòng, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam vẫn miệt mài khám bệnh, ân cần hỏi han và tư vấn cho từng cụ. Mỗi một bàn khám, lại có thêm một cán bộ để “phiên dịch”, bởi theo bác sĩ Trần Đình Đức: Nhiều cụ nói không rõ tiếng phổ thông nên chúng tôi rất khó khăn trong giao tiếp. Theo trưởng đoàn Lê Thanh Hội: Thời gian ngắn ngủi quá nên đoàn chỉ khám được cho hơn 200 người, trong đó tập trung chủ yếu vào các đối tượng người cao tuổi. Phó Chủ tịch xã Chang A Khày bùi ngùi: Cả xã gần 4.000 nhân khẩu thì có đến 85% dân số là người Mông. Với một xã có đến hơn 60% số hộ nghèo và cận nghèo thì sự quan tâm của các anh (đoàn thiện nguyện - PV) như thế này rất có ý nghĩa... Phòng bên, dược sĩ Võ Thị Hiền và Lê Thị Mơ vẫn thoăn thoắt dán liều lượng lên từng vỉ thuốc, hướng dẫn tỉ mỉ cách dùng thuốc cho bệnh nhân và cả người nhà đi cùng.

Phòng khám nằm trên mỏm đồi cao, nhìn xuống con đường ngoằn ngoèo như con rắn trườn qua các kẽ núi, gió thổi thông thống từ thung lên, se lạnh. Vượt gần 20km để đến khám bệnh, bà Ma Thị Do, bản Cà Là Pá chia sẻ: “Tôi được khám bệnh lại còn được cán bộ y tế cho thuốc nữa. Cám ơn bác sĩ nhiều lắm”. Cầm bọc thuốc to đùng trên tay, bà Vàng Go Mé, bản Phứ Ma phấn khởi: Trước kia khám tại nhà, hôm nay ra đây được cán bộ y tế (siêu âm ổ bụng), lại còn cho thuốc nữa, cám ơn cán bộ rất nhiều!.

Thực hiện công tác phòng bệnh ở vùng cao biên giới vô cùng vất vả, Thạc sĩ Nguyễn Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé kể nhiều chuyện gian nan của y tế vùng cao, anh trăn trở: Đường sá xa xôi hiểm trở, nên người dân ít khi chủ động đi khám. Cách tỉnh lị trên 200km nên việc chuyển tuyến cũng khó khăn, trong khi người dân đi khám thì bệnh đã trở nặng. Đặc biệt, tình trạng sinh nở tại nhà vẫn thường xuyên diễn ra nên rủi ro cao, do vậy vai trò y tế cơ sở vô cùng quan trọng trong việc tiếp cận, vận động người dân thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sau sinh và phòng dịch.

Đêm. Ánh lửa trại vẫn rừng rực cháy giữa sân trường, sáng rực cả khoảng trời. Những điệu múa xòe, múa sạp cứ rộn ràng hòa lẫn lời ca tiếng hát vang lên trong không gian tĩnh mịch giữa núi rừng... Trong những câu chuyện dài là hình ảnh những người cán bộ y tế, những người thầy thắp lửa ở cực Tây của Tổ quốc cứ đọng mãi trong ký ức các tình nguyện viên. Ngoài kia, ban vẫn nở những bông hoa trắng muốt, tinh khôi vươn lên khoe sắc trong gió sương khắc nghiệt giữa núi rừng nơi mảnh đất cực Tây.

Bài, ảnh: Thanh Lê
Bình luận

Tin khác

Back To Top