ĐBP - Chúng tôi trở lại bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) những ngày cuối tháng Tư trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 69 Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu đỏ rực tuyến đường vào bản. Những ngôi nhà mới khang trang san sát, cuộc sống ấm no hiện rõ trên những khuôn mặt người dân nơi đây.
Bản Púng Bon có 57 hộ, 100% dân số là đồng bào dân tộc Cống - 1 trong 16 dân tộc rất ít người của Việt Nam. Ngược thời gian trở lại gần 20 năm về trước, khi đồng bào dân tộc Cống chưa được thụ hưởng Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 - 2020”, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Không điện, không đường, không nước sinh hoạt; trong năm có tới 3 - 4 tháng thiếu đói. Mấy chục hộ dân trong bản nhưng người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tiếp chúng tôi là anh Lò Văn Hiệp, Trưởng bản Púng Bon, một thanh niên nhanh nhẹn hoạt bát, có dáng người đậm, làn da rám nắng. Chào khách bằng cái bắt tay chắc nịch, bên ấm trà anh Hiệp cho biết: Ngày nay, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp mà cuộc sống của người dân trong bản mình đã được nâng lên nhiều. Thụ hưởng đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 - 2023”, bản đã được san mặt bằng để giãn dân lên vị trí cao hơn, bằng phẳng hơn. Đặc biệt đường vào bản đã thuận tiện hơn khi được đầu tư cầu treo qua suối giúp dân bản, nhất là trẻ em đi học thuận lợi, không phải nghỉ học mỗi khi mùa mưa lũ nước suối dâng cao làm trôi cầu tạm. Chính quyền xã, huyện còn mở các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân; đồng thời hỗ trợ cây, con giống để người dân chuyển đối cơ cấu cây trồng vật nuôi. Nhờ đó, tư duy sản suất của người dân dần thay đổi.
Chị Nạ Thị Bóng, người dân bản Púng Bon chia sẻ: Nhờ được học lớp tập huấn về các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và được hỗ trợ cây, con giống, đời sống người dân ngày một ổn định hơn. Như gia đình tôi hiện có 3 con bò, 2 con lợn sinh sản và gần 100 con gà. Nhờ áp dụng những kiến thức được tập huấn vào chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, tạo nguồn thu nhập từ chăn nuôi ổn định trên 30 triệu đồng/năm.
Dạo một vòng quanh bản Púng Bon, chúng tôi chứng kiến nếp sinh hoạt của người dân ngày càng tiến bộ, nhà nào cũng được xây dựng khang trang; quy hoạch chuồng trại cách xa nhà ở; hầu như nhà nào trong bản cũng có một vườn rau nhỏ, nuôi từ 5 - 10 con gia cầm.
Đến thăm gia đình ông Lò Văn Liên, người uy tín của bản Púng Bon, khi ông đang ngồi đánh bóng lại 2 bộ cồng chiêng, loại nhạc cụ dùng trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Cống. Ông Liên tâm sự: Thời trước cuộc sống khó khăn, người dân trong bản sống theo kiểu nay đây mai đó, nhà chỉ lợp tạm bằng lá cây rừng, lá vừa vàng cũng là lúc chuyển nhà mới; cuộc sống di cư nên văn hóa dân tộc mai một nhiều. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà nay đồng bào dân tộc Cống ở Pa Thơm có làng có bản, có chỗ ở cố định khang trang, trẻ em được đến trường. Phong tục tập quán dần được khôi phục và bảo tồn. Như 2 bộ cồng chiêng này cũng do Nhà nước hỗ trợ; rồi Tết hoa (Tết hoa mào gà) cũng được phục dựng và tổ chức thường xuyên vào tháng 11, 12 dương lịch hàng năm. Phụ nữ trong bản được tập huấn may trang phục truyền thống. Nhờ đó, đến nay nhà nào cũng có ít nhất 2 bộ trang phục truyền thống dân tộc (1 nam, 1 nữ). Cuộc sống phát triển, con cháu đồng bào dân tộc Cống chúng tôi cũng có điều kiện được học tập trong các trường đại học, cao đẳng và tham gia công tác tại xã, tại huyện. Góp phần đóng góp cho quê hương, cho dân tộc.
Hiện nay, người Cống trên địa bàn xã Pa Thơm sống tập trung tại 3 bản: Huổi Moi, Si Văn, Púng Bon với 86 hộ, gần 500 nhân khẩu. Năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 - 2020 với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng. Tại xã Pa Thơm, dự án thực hiện san mặt bằng tại 2 bản Huổi Moi, Púng Bon; xây dựng cầu treo, kéo điện lưới vào bản Púng Bon… Ngoài ra, đề án cũng hỗ trợ điều kiện sống, hỗ trợ thiếu đói giáp hạt giai đoạn 2014 - 2020 trị giá hơn 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, mua giống cây trồng vật nuôi trị giá 850 triệu đồng; thực hiện chăm sóc sức khỏe, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần. Nhờ đó cuộc sống của dân tộc Cống trên địa bàn xã Pa Thơm ngày một khởi sắc.