Những nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường không khí

08:20 - Thứ Năm, 11/05/2023 Lượt xem: 3398 In bài viết

ĐBP - Hiện nay trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đang triển khai thi công nhiều dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án Đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; dự án Cầu Thanh Bình... Xe chở nguyên vật liệu, chất thải từ các công trình dự án thải ra nhiều bụi mịn dễ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm không khí; khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông cùng với điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Xe chở vật liệu phục vụ các công trình xây dựng là một trong những nguyên nhân tăng xả thải khói, bụi vào môi trường không khí (Ảnh chụp tại đầu cầu A1 ngày 7/5/2023).

Tại một số tuyến đường: Quốc lộ 12 khu vực hầm Đờ - cát, Cầu A1, đường Võ Nguyên Giáp, đường kênh tả Nậm Rốm... rất dễ nhận thấy từng đoàn xe công trình chở nguyên vật liệu, chất thải đang lưu thông, khói động cơ, bụi từ xe, bụi đường cuốn lên mù mịt.

Ông Nguyễn Văn Đ. người dân phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Từ khi đóng tuyến đường cầu Thanh Bình, cầu sắt Mường Thanh, lưu lượng xe trên địa bàn thành phố tập trung qua cầu A1, cùng với xe công trình đã tạo lên mật độ giao thông dày đặc trong thời gian gần đây đặc biệt là vào giờ tan tầm. Chiều nào tôi cũng đi bộ tập thể dục ở khu vực Tượng đài Chiến thắng và phải đi qua cầu A1, gặp xe công trình chở vật liệu không chỉ thải ra khói đen xì, nhiều xe do che đậy thùng không cẩn thận làm vương vãi đất, cát, sỏi xuống lòng đường; mỗi lần có xe ô tô công trình đi qua là cả đoạn đường chìm trong khói bụi. Tôi thấy không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông mà còn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí. Mặc dù đã đeo khẩu trang nhưng mỗi lần có xe ô tô công trình qua tôi vẫn phải đưa tay lên che mặt.

Không chỉ nguồn khí thải, bụi từ các công trình xây dựng, phương tiện giao thông gây nguy cơ ô nhiễm không khí, thời gian tháng 3 - 4 hàng năm là mùa người dân vùng cao đốt dọn nương để chuẩn bị cho mùa gieo trồng mới. Khói, bụi than, tàn tro cuốn xuống địa bàn vùng thấp cũng đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Đặc biệt vào thời điểm cuối tháng 3 vừa qua nhiều ngày liền cả TP. Điện Biên Phủ bị hiện tượng “mù khô” bao phủ, nhiều chuyến bay đi và đến Sân bay Điện Biên bị hủy chuyến. Trong 3 ngày (24, 25, 26/3) đã có 18 chuyến bay đến và đi phải hủy chuyến.

Chị Phạm Thị T. người dân xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cho biết: “Tàn tro, bụi than trong không khí do việc đốt nương của người dân vùng cao đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân. Nhà tôi cả ngày không dám mở cửa, cũng không phơi quần áo ngoài trời nữa vì bụi tro bay đầy sân; xe ô tô để ngoài trời cũng phải che bạt.”

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, qua kết quả quan trắc các chỉ tiêu môi trường năm 2022, cho thấy chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh còn khá tốt, hầu hết các chỉ tiêu quan trắc đều nằm trong giới hạn, một số chỉ tiêu vượt nhẹ so với quy chuẩn cho phép. Những nguyên nhân, nguồn tác động chính ảnh hưởng đến chất lượng môi trường: Sự gia tăng dân số dẫn đến sức ép về tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên; xây dựng hệ thống giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của dân cư; xây dựng nhà ở; phát triển hệ thống y tế, cung cấp nước sinh hoạt, thu gom xử lý nước thải, rác thải; sự gia tăng phương tiện giao thông... Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây bụi như do xe chở vật liệu xây dựng để rơi vãi xuống đường hoặc qua các đoạn có công trình xây dựng đang thi công.

Hiện nay hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh có tốc độ phát triển nhanh. Đặc biệt ở các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất điện, nước… công nghệ khai thác và chế biến chưa thực sự tiên tiến để đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường. Do đó ít nhiều đã có những tác động, ảnh hưởng tới môi trường như: Thay đổi chế độ thủy văn, bồi lắng dòng chảy; thay đổi địa hình, địa mạo khu vực hoạt động khai thác khoáng sản; thải khói bụi vào không khí... một số địa bàn vùng cao còn xảy ra việc khai phá rừng làm nương kết hợp với việc canh tác trên nương chưa đúng kỹ thuật dẫn đến tình trạng khói than, tàn tro cuốn trong không khí.

Mặc dù môi trường không khí trên địa bàn tỉnh vẫn trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép song chúng ta không thể chủ quan, xem nhẹ những nguy cơ dẫn đến ô nhiễm không khí, nhất là trong mùa nắng nóng, mùa đốt nương của người dân vùng cao. Để bảo vệ môi trường không khí, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen, nếp sống bảo vệ môi trường cho Nhân dân. Các cơ quan quản lý chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình xây dựng có giải pháp đảm bảo môi trường khi thi công, vận chuyển nguyên vật liệu; khuyến cáo, hướng dẫn người dân vùng cao không đốt dọn nương khi trời có gió...

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top