Từng bước nâng cao chất lượng môi trường không khí

14:58 - Thứ Năm, 11/05/2023 Lượt xem: 3700 In bài viết

ĐBP - Chất lượng môi trường không khí đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống, sức khỏe con người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những năm qua, mặc dù chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí như các đô thị lớn trong cả nước song tỉnh Điện Biên luôn chú trọng công tác quản lý, nâng cao chất lượng môi trường không khí, xử lý dứt điểm, triệt để các nguồn nguy cơ gây ô nhiễm không khí trên địa bàn.

Cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trồng cây dổi xanh và vối thuốc tại khoảnh 14, tiểu khu 61, xã Sín Thầu thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.

Để nâng cao chất lượng môi trường không khí, những năm qua tỉnh Điện Biên đã triển khai rà soát, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí đến từ: Hoạt động của các khu công nghiệp; phát triển xây dựng; giao thông vận tải và sự gia tăng dân số. Từ đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Tỉnh Điện Biên có 4 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay 4/4 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để, trong đó có 3 cơ sở đã có Quyết định chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để (Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; Hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Điện Biên Phủ). Đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề, đến năm 2020, toàn tỉnh đã quy hoạch 8 cụm công nghiệp với diện tích 146,1ha (trong đó: 1 cụm công nghiệp đã được thành lập, 2 cụm công nghiệp đã được lập quy hoạch chi tiết), gồm: Cụm công nghiệp Na Hai huyện Điện Biên; Cụm công nghiệp phía Đông huyện Tuần Giáo; Cụm công nghiệp hỗn hợp xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng. Hiện tại, tỉnh chưa có kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho cụm công nghiệp, tuy nhiên các dự án triển khai trong cụm công nghiệp đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, có hệ thống xử lý nước thải riêng nhằm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải; đầu tư các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với hệ thống công nghệ hiện đại, xử lý nước thải, rác thải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường không khí. Đối với hoạt động giao thông vận tải, Sở giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 16/2019/QĐ- TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu. Theo dõi chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp đảm bảo ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông; tổ chức thực hiện các Đề án liên quan. Tăng cường kiểm soát các chất gây ô nhiễm trong khí thải từ các phương tiện giao thông; tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với các phương tiện giao thông cơ giới.

Thực hiện các quyết định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025, ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 3386/KH-UBND về quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, kế hoạch tập trung triển khai một số nội dung chính về: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; triển khai các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khí thải và tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan đơn vị để triển khai công tác quản lý, nâng cao chất lượng không khí.

Hiện tại, tỉnh Điện Biên chưa đầu tư, lắp đặt hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động và trang thiết bị phục vụ công tác truyền nhận số liệu quan trắc tự động, liên tục. Do đó, tỉnh chưa thực hiện tiếp nhận và truyền số liệu quan trắc tự động, liên tục từ các cơ sở về Sở Tài nguyên và Môi trường và từ Sở Tài nguyên và Môi trường về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, theo Kế hoạch 3386/KH-UBND, tỉnh Điện Biên sẽ đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ cơ sở sản xuất về Sở Tài nguyên và Môi trường và về Bộ Tài nguyên và Môi trường; tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá chất lượng số liệu quan trắc. Đồng thời, đôn đốc việc thực hiện lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, tăng cường kiểm soát các nguồn thải, kiểm tra việc vận hành các hệ thống quan trắc tự động của các cơ sở lắp đặt và vận hành thiết bị. UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Dự án đầu tư 3 trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại TP. Điện Biên Phủ, thị trấn Tuần Giáo và cụm công nghiệp Na Hai huyện Điện Biên; đầu tư trang thiết bị phục vụ truyền nhận số liệu quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh. Các dự án sẽ được đầu tư, hoàn thành trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng không khí bằng những hành động thiết thực như: Trồng rừng; vệ sinh môi trường tại khu dân cư; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng sinh học….

Rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé trải dài địa bàn 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè (huyện Mường Nhé) với tổng diện tích trên 46.700ha. Khu bảo tồn có vai trò hết sức quan trọng; không chỉ che chắn, bảo vệ nhân dân khỏi thiên tai mà còn góp phần nâng cao chất lượng không khí trên địa bàn. Những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đơn vị triển khai công tác trồng rừng. Mới đây, giữa tháng 4/2023, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé và Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Mô trường) đã trồng 40.000 cây dổi xanh và cây vối thuốc nhằm góp phần tái tạo, phục hồi, tái sinh rừng và hệ sinh thái, hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 5ha cây dổi, trong 5 năm tới dự tính hấp thu khoảng 44,57 tấn CO2, sau 10 năm sẽ hấp thụ 89,14 tấn CO2.

Bên cạnh các hoạt động của đơn vị, địa phương, hàng năm UBND tỉnh giao kế hoạch trồng mới trên 500ha rừng tập trung; khoanh nuôi tái sinh hàng nghìn héc ta rừng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng môi trường không khí trên địa bàn.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top