Đẩy mạnh chuẩn hóa thông tin thuê bao di động

07:49 - Chủ Nhật, 14/05/2023 Lượt xem: 4104 In bài viết

ĐBP - Theo lộ trình của Đề án 06, việc kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết triệt để tình trạng sim rác, tình trạng giả mạo giấy tờ. Để nhanh chóng thực hiện mục tiêu này, các nhà mạng di động trên địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa thông tin cho khách hàng, đảm bảo thông tin cá nhân của các thuê bao di động mới, thuê bao đang hoạt động được đồng bộ và trùng khớp với thông tin tại CSDL quốc gia về dân cư…

Chủ thuê bao tới chuẩn hóa thông tin tại trụ sở Mobifone Điện Biên.

Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có 3 nhà mạng chính hoạt động, gồm: Viettel, Mobifone, Vinaphone. Vào thời điểm trung tuần tháng 4, gần 10.000 thuê bao di động trên địa bàn tỉnh bị khóa 2 chiều do có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ của đông đảo khách hàng bởi không chỉ khẳng định sự chính chủ rõ ràng với số điện thoại của mình, giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ; đồng thời hạn chế tối đa tình trạng sim rác và việc bị lừa đảo, quấy rối bởi các số điện thoại khác. Nếu trước kia, anh Cà Văn Pánh trú tại xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ thường bị làm phiền bởi các tin nhắn rác, cuộc gọi rác gửi tới thuê bao của mình. Thì từ đầu tháng 4 đến nay, tình trạng này đã không còn xảy ra nữa bởi phần lớn lượng sim rác đều đã bị các nhà mạng chặn 1 chiều từ 1/4 và chặn 2 chiều từ 16/4. Anh Cà Văn Pánh chia sẻ: “Trước đây có nhiều lần các số lạ gọi điện, nhắn tin đến. Như hôm trước có người gọi bảo sim của tôi được thưởng 20 triệu. Nhưng tôi phải chuyển trước 2 triệu, thì tháng sau được nhận tiền. Thấy có dấu hiệu lừa đảo nên tôi không trả lời. Tình trạng lừa đảo thế này nhiều lắm, mấy anh em trong bản cũng bị lừa rồi. Theo tôi, các nhà mạng khóa sim không chính chủ rất là đúng…”

Theo thống kê của các nhà mạng, trong gần 10.000 thuê bao di động trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị khóa 2 chiều có gần 900 thuê bao Viettel, 8.000 thuê bao Vinaphone và trên 700 thuê bao Mobiphone. Trong 30 ngày tiếp theo, nếu không kịp thời chuẩn hóa thông tin, các thuê bao này sẽ bị thu hồi số. Để mở khóa thuê bao, khách hàng có thể  thực hiện qua 2 hình thức: Trực tiếp tại các điểm giao dịch và gián tiếp qua các ứng dụng của các nhà mạng. Ông Phan Châu Tuấn, Phó Giám đốc Kinh doanh (VNPT Điện Biên) cho biết: “Việc chuẩn hóa thông tin mang lại lợi ích kép. Đây là sự khẳng định chính chủ rõ ràng với số điện thoại của mình, giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ; đồng thời hạn chế tối đa tình trạng sim rác và việc bị lừa đảo, quấy rối bởi các số điện thoại khác. Để hỗ trợ khách hàng, chúng tôi đang tăng cường tối đa nhân lực, vật lực, thời gian để hỗ trợ khách hàng mở khóa thuê bao.”

Trong những ngày trung tuần tháng 4 vừa qua, trụ sở chính của Mobifone Điện Biên luôn tấp nập người ra vào. Đây đều là những chủ nhân của thuê bao nhận được yêu cầu chuẩn hóa thông tin chính chủ. Tại đây, các thuê bao được nhân viên Mobifone Điện Biên hướng dẫn tận tình, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục. Không chỉ tại trụ sở chính, để góp phần đẩy nhanh tốc độ chuẩn hóa thông tin cho chủ thuê bao, Mobifone Điện Biên còn tiến hành cử cán bộ phối hợp với lực lượng công an về tận các thôn, bản; thông báo trên loa tại các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh; thông qua các cửa hàng, điểm bán hàng; liên kết với bưu điện để tiến hành cập nhật… Đến thời điểm này, Mobifone Điện Biên vẫn ghi nhận khoảng 4.000 thuê bao diện nghi ngờ chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin.

Anh Trần Văn Hòa, nhân viên Mobifone Điện Biên cho biết: “Hôm nay chúng tôi phối hợp với Công an xã Mường Phăng tiến hành chuẩn hóa thông tin cho khách hàng. Để tăng hiệu quả của công tác này, chúng tôi chia làm 2 nhóm. Một nhóm trực tại trụ sở đón tiếp người dân khi tới giao dịch. Nếu ai sử dụng mạng Mobifone chưa đăng ký sim chính chủ thì chúng tôi hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin. Một tổ khác đi tới tận các bản để hỗ trợ những người cao tuổi, người khuyết tật không thể tự tới trụ sở để chuẩn hóa thông tin…”

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đến thời điểm đầu tháng 5, trên địa bàn toàn tỉnh đã có gần 36.000 thuê bao của 3 nhà mạng được chuẩn hóa thông tin. Việc chuẩn hóa thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Qua đó, bảo vệ tối đa quyền lợi của chủ thuê bao, góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top