ĐBP - Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả trong những năm qua. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.
Những năm qua, người nghèo trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo do Trung ương và địa phương ban hành, như: Chính sách về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nhà ở, đất ở; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ tiền điện; trợ giúp pháp lý; tín dụng ưu đãi...
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nên các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã góp phần tích cực cùng địa phương giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 392 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng; gần 20 nghìn học sinh, sinh viên hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập tại các trường chuyên nghiệp, dạy nghề; gần 19 nghìn lượt lao động được vay vốn để tạo việc làm, tăng thu nhập; 16.416 hộ nghèo nhà dột nát được hỗ trợ làm nhà mới, ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững). Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên được phân bổ nguồn vốn hơn 4.300 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình. Trong đó, xây dựng nông thôn mới trên 373 tỷ đồng với 157 dự án; giảm nghèo bền vững hơn 1.400 tỷ đồng thực hiện 100 dự án; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 2.500 tỷ đồng thực hiện 517 dự án. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện 3 chương trình trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đồng thời, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Đơn cử trên địa bàn huyện Tủa Chùa, thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023), đến nay các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn và tổ chức thực hiện hỗ trợ 25 dự án phát triển sản xuất cộng đồng, với tổng kinh phí hơn 11,6 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê, ngựa), hỗ trợ chăn nuôi gia cầm; hỗ trợ phát triển cây ăn quả… phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc về công tác giảm nghèo bền vững đã có chuyển biến rõ rệt; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Chất lượng cuộc sống được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 30,35% (giảm 4,55% so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 44,41% (giảm 6,24%).