Vấn đề tuần này

Chống biến đổi khí hậu

08:17 - Thứ Năm, 08/06/2023 Lượt xem: 4677 In bài viết

ĐBP - Biến đổi khí hậu đang là thách thức đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai. Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn so với bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử Trái đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 10C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn; các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn.

Năm nay, theo dự báo, hiện tượng El Nino xuất hiện và kéo dài nhiều tháng, bắt đầu từ giữa tháng 6 đến những tháng cuối năm. Hạn hán trên diện rộng tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, dự kiến lượng mưa giảm trung bình 20 - 60% so với các năm trước. Biểu hiện rõ nhất là trong các đợt nắng nóng gần đây thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày, nhiệt độ trung bình 35 - 390C, cá biệt như Mường La, Sơn La lên đến 43,50C (vượt mốc lịch sử nắng nóng từ trước tới nay trên lãnh thổ nước ta).

Nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, gây thiếu hụt nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, phát điện… Lòng hồ Thủy điện Sơn La, khu vực TX. Mường Lay xuống thấp, có nơi cạn trơ đáy, gây đảo lộn sinh kế của hàng nghìn người dân. Khu vực lòng hồ thủy điện sông Đà tại huyện Tủa Chùa giảm sâu, tiệm cận mực nước chết. Nước cạn cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài đã  làm cá nuôi trong lồng, bè của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Huổi Só chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Nắng nóng kéo dài, mức tiêu thụ điện tăng đột biến, nhiều nơi vượt phụ tải. Để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn nguồn điện, ngành Điện đã phải thực hiện cắt điện luân phiên. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp… sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.

Đấy là những gì nhìn thấy trước mắt, còn về nghiên cứu khoa học thì thời tiết cực đoan là nhân tố thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới. Thiên tai lũ lụt xảy ra thường xuyên, quy mô, mức độ ngày càng nghiêm trọng, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, mất nhà cửa, hàng triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực. Cùng với đó, hiểm họa y tế, dịch bệnh… xuất hiện nhiều hơn. 

Là tỉnh có điều kiện, vị trí địa lý không mấy thuận lợi, nên Điện Biên rất chú trọng công tác chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tỉnh chủ động hưởng ứng, tham gia nhiệt tình “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Hàng năm đều hưởng ứng, phát động Tết trồng cây của Bác Hồ. Các sở, ngành, huyện thị, tổ chức đoàn thể… quan tâm việc trồng cây phân tán, cây xanh đô thị, khu vực công viên, công sở, trường học, trồng rừng kinh tế... bảo vệ môi trường.

Một trong những nỗ lực của tỉnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, là thu hút, mời gọi các doanh nghiệp tham gia trồng cây mắc ca, trồng rừng kinh tế. Với 13 dự án mắc ca được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng diện tích trên 85.000ha. Khi các dự án mắc ca hoàn thành, không chỉ mang lại giá trị kinh tế to lớn cho người dân, doanh nghiệp, tăng thu ngân sách cho tỉnh mà còn góp phần điều hoà khí hậu cho cả vùng.

Các dự án năng lượng đã và đang kêu gọi, thu hút đầu tư thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ưu tiên hàng đầu là các dự án năng năng lượng xanh, thuỷ điện tích năng, điện gió, điện sinh khối; hạn chế tới mức thấp nhất các dự án thuỷ điện gây ảnh hưởng diện tích rừng hiện có. Chú trọng trồng rừng thay thế đối với các dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ sức khoẻ người dân.

Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là vấn đề lớn và cần thời gian dài, có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương. Do vậy cần tăng cường lồng ghép mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào các chính sách và quyết định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh để có thể thực sự chuyển đổi sản xuất sạch, xanh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, vận tải và năng lượng...

Mặt khác, cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa các cam kết bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện giảm phát thải nhà kính, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ để chống biến đổi khí hậu. Chú trọng thu hút, mời gọi các dự án “kết cấu hạ tầng sạch”, như các trang trại năng lượng gió và mặt trời, nâng cấp lưới điện, tăng cường sử dụng hydrogen...

Là địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thời gian qua, việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được tỉnh xác định là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định đến sự phát triển bền vững chung. Do đó, Điện Biên đã rất tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cả nước chống biến đổi khí hậu nhằm biến “thách thức” do biến đổi khí hậu thành “cơ hội” phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top