Vấn nạn tảo hôn trên ghế nhà trường

07:11 - Thứ Bảy, 10/06/2023 Lượt xem: 6385 In bài viết

ĐBP - Đang là những nữ sinh hồn nhiên, vui tươi trên ghế trường, nhiều em đột ngột lấy chồng. Ở vùng cao Tuần Giáo, vấn nạn này vẫn xảy ra rất phổ biến trong nữ giới độ tuổi 14 - 15, với tỷ lệ đáng báo động - cứ 10 người kết hôn thì có đến gần 4 người là tảo hôn. Bởi tư tưởng, phong tục lạc hậu ăn sâu qua nhiều thế hệ, của nhiều dân tộc thiểu số, thực trạng này khiến các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và ngành Giáo dục “đau đầu”.

Những ngày cuối cùng em Giàng Thị S. ngồi trên ghế nhà trường.

Lấy chồng tuổi 14

Ở vùng cao, các trường THCS, THPT luôn thường trực nỗi lo học sinh lấy chồng, nghỉ học. Nghỉ hè, nghỉ tết là thời điểm kết đôi nhiều nhất, mà giáo viên cũng không thể nắm bắt kịp thời để khuyên răn. Hè năm lớp 8, khi vừa chớm tuổi 14, em Giàng Thị S. (sinh năm 2008) ở bản Phình Cứ, xã Ta Ma về nhà chồng (cùng xã). Hoàn cảnh của S. khá đặc biệt, mẹ mất sớm, bố đi bước nữa, gia đình đông anh chị em. S. là chị cả nên bị gia đình ép gả sớm để đỡ gánh nặng. “Bố bảo con gái thì không cần học nhiều. Nếu không lấy chồng thì bố cũng không cho đi học nữa” - S. tâm sự.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, Tuần Giáo có 43/177 cặp kết hôn là tảo hôn, với 124/354 người chưa đủ tuổi, độ tuổi chủ yếu là 14 - 16. Trong đó, cao nhất là các xã: Ta Ma (65,6% người tảo hôn/tổng số người kết hôn), Pú Xi (68,4%), Rạng Đông (62,5%)... Tỷ lệ này trong năm 2022 là 89/373 cặp, 275/746 người tảo hôn.

S. có dáng người nhỏ bé, gương mặt non nớt nhưng lại mang vẻ trầm tư với nhiều tâm sự. Ở độ tuổi nhẽ ra “ăn chưa no, lo chưa tới”, được đến trường, được vui chơi nhưng S. cùng nhiều bạn “rẽ lối” lấy chồng bởi những lý do khác nhau. Có người như S. bị gia đình ép buộc, có em thì tự mình quyết định, thậm chí dọa tự tử khi bị ngăn cản.

Nhiều lý do khác nhau nhưng đều do nhận thức của cộng đồng dân tộc tại địa bàn còn hạn chế, tư duy lạc hậu vẫn tồn tại. Ông Vũ Hoàng Long, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo thẳng thắn nhìn nhận: “Việc phòng chống, ngăn chặn tảo hôn trên địa bàn vẫn chưa hiệu quả. Người dân biết các nguy cơ tiêu cực của việc tảo hôn nhưng vẫn cổ súy, đồng tình cho con em mình dù chưa đủ tuổi, cá biệt có trường hợp 12, 13 tuổi”.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma trò chuyện ngoài giờ với học sinh về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Để các em vẫn được đến trường

Lấy chồng, phần lớn các nữ sinh nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình, làm ruộng nương. Nhưng dù vậy, các em vẫn là những thiếu niên trong độ tuổi đến trường, cần được đảm bảo quyền học tập.

Em Giàng Thị S. kể trên đã tiếp tục trở lại trường học, hoàn thành chương trình lớp 9 và vừa tốt nghiệp THCS nhờ thầy cô giáo đến nhà vận động. Nhưng con đường đến trường 1 năm qua của em chông gai hơn.

S. tâm sự: “May mắn của em là bố mẹ chồng tâm lý. Bố mẹ cho em đi học tiếp, chỉ cần phụ giúp gia đình việc nhẹ nhàng để tập trung học. Nhiều người bảo với bố mẹ là lấy con dâu về phải để cho đi làm nương chứ học hành làm gì. Chồng em thì mới nhập ngũ đầu năm, không có ở nhà nên mọi người cũng bàn tán, xì xào sợ em đi học thì gặp người này, người khác, không chung thủy. Đến lớp thì có bạn phân biệt, không chơi”.

“Nhiều lời gièm pha khiến em cũng có lúc chạnh lòng, nghĩ là mình không nên đi học nữa. Nhưng mỗi sáng thấy các bạn cắp sách đến trường, em lại tha thiết tiếp tục việc học, cố gắng tốt nghiệp THCS”- Giàng Thị  S. bộc bạch.

Vượt lên những điều tiêu cực ấy, trở lại lớp, S. luôn là học sinh giỏi, gương mẫu, và “cây văn nghệ” của trường, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hòa nhập với bạn bè. Không riêng S. mà năm học 2022 – 2023, Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma có 3 học sinh đã lấy chồng vẫn theo học, trong đó có 1 học sinh đang mang thai, 1 học sinh từ xã khác lấy chồng sang. Thầy Phan Văn Đạt, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Rà soát nắm bắt các em trong độ tuổi học THCS trên địa bàn, kể cả đã lập gia đình, chúng tôi vẫn đến động viên, khuyến khích ra lớp. Vận động gia đình cố gắng tạo điều kiện cho các em ít nhất là tốt nghiệp THCS, thuận lợi cho cuộc sống sau này. Nhờ vậy dù đã lập gia đình nhưng còn ở trên địa bàn thì không có trường hợp bỏ học giữa chừng”.

Học sinh cấp THCS huyện Tuần Giáo tham gia CLB trẻ em gái.

Tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS xã Tênh Phông cũng vậy. Năm học vừa qua, có 1 học sinh lớp 8 lấy chồng. Thầy Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Học sinh nữ lớp 8, lấy chồng lớp 10. Khi chúng tôi biết dự định ấy, khuyên can thì em đòi tự tử. Gia đình ủng hộ tổ chức cỗ cưới, chính quyền cũng không ngăn cản được nên nhà trường đành buông xuôi. Nhưng chúng tôi đã vận động thành công được em quay lại trường tiếp tục việc học sau khi đám cưới. Hơn nữa 2 vợ chồng còn hứa sẽ không mang thai trước khi tốt nghiệp”.

Học sinh trở lại trường, giáo viên lại càng phải quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Bởi lẽ lúc này tâm tư của em không chỉ đặt ở việc học mà còn làm vợ, làm dâu. Hơn nữa với sự nhảy cảm sẵn có, học sinh dễ tổn thương, tự ái nên thầy cô phải khéo léo khi đề cập đến chuyện cá nhân của em. Gặp vấn đề gì thì thuyết phục vừa bằng lý lẽ, vừa bằng tình cảm, vận động cả gia đình ủng hộ. Đồng thời nhắc nhở học sinh trong lớp, trong trường không phân biệt, trêu đùa; xây dựng môi trường học tập tích cực để tạo cho các em niềm vui và mong chờ được đến trường. Nhờ đó học sinh dù đã lập gia đình vẫn học tập và hòa nhập với bạn bè.

Cùng vào cuộc ngăn chặn tảo hôn

Tại các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện Tuần Giáo, hàng tuần vào các buổi chào cờ, hoặc sinh hoạt lớp, giáo viên nhà trường thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, giải thích cho học sinh nắm được hậu quả của việc tảo hôn. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động ngoại khóa. Nhiều địa bàn còn thành lập câu lạc bộ (CLB) trẻ em gái giúp học sinh có những kỹ năng sống cần thiết.

Cán bộ Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, sức khỏe sinh sản tại trường học trên địa bàn.

Trường Phổ thông DTBT THCS Rạng Đông thành lập CLB Trẻ em gái với 40 nữ sinh ở các khối lớp tham gia. Thầy Phạm Tiến Dũng, Tổng phụ trách Đội cho biết: “Phần lớn các em khi mới tham gia CLB có điểm yếu chung là hạn chế trong giao tiếp, nhút nhát, thiếu kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt là chưa hiểu và chưa biết cách bảo vệ bản thân trước vấn nạn tảo hôn. Thế nhưng, hiện giờ các em đều tự tin, có thể thuyết trình trước đám đông và trở thành những “hạt nhân” tích cực trong hoạt động truyền thông về các vấn đề liên quan tại trường, cũng như địa bàn dân cư”.

Chính quyền các xã cũng vào cuộc, thành lập các ban chỉ đạo về dân số - kế hoạch hóa gia đinh, huy động học sinh ra lớp hay về các dự án liên quan đến sinh kế, vấn đề xã hội. Tuy nhiên kết quả chưa như kỳ vọng. Ông Lò Văn Tói, Chủ tịch UBND xã Ta Ma cho biết: “Khi các em có dấu hiệu bỏ học, tảo hôn, Ban Đại diện cha mẹ học sinh, Ủy viên Ban Chấp hành xã phụ trách bản, đại biểu HĐND xã ứng cử ở bản... đều đến tuyên truyền, vận động. Nếu cán bộ, đảng viên, lãnh đạo bản có con, cháu tảo hôn mời ăn cưới, chúng tôi đã quán triệt từ lâu là cán bộ xã không tham gia, không gửi mừng. Cách đây chỉ vài năm, trên địa bàn đã có trường hợp nam bị truy cứu trách nhiệm hình sự đi tù, vì có con với nữ chưa đủ tuổi, nhưng dường như vẫn chưa đủ răn đe, thay đổi tư duy của người dân”.

Về phía Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống tảo hôn. Ông Vũ Hoàng Long cho biết: “2 – 3 năm gần đây, chúng tôi mở rộng tuyên truyền tại cấp THCS. Hàng năm tổ chức trò chuyện chuyên đề, ngoại khóa về chủ đề này tại tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn, trong đó ít nhất 1 buổi đối với trường THCS, 2 buổi/trường THPT. Cùng với đó vẫn tiếp tục tuyên truyền tại thôn, bản, khu dân cư. Nhưng với chức năng của mình, chúng tôi chỉ có thể thực hiện các giải pháp truyền thông, vận động là chính. Mà vấn nạn này có nhiều rào cản, cần sự chung tay của cả xã hội và những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top