Góc nhìn - Tiêu điểm

Quan trọng là thực thi

06:03 - Thứ Bảy, 17/06/2023 Lượt xem: 5511 In bài viết

ĐBP - Từ cuối tháng 3 đến nay, cơ quan chức năng đã bắt 3 đối tượng phạm tội “Tham ô tài sản”, quy định tại Điều 353, Bộ luật Hình sự. Đó là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Điện Biên Đông bắt Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phình Giàng, xã Phình Giàng; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo bắt 1 công chức văn phòng kiêm thủ quỹ, 1 công chức văn hóa của xã Pú Xi.

Cả 3 đối tượng đều bị điều tra, xác minh và bị bắt từ đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an. Ngoài chung tội danh “Tham ô tài sản”, thì 3 đối tượng này có điểm chung là sự vô cảm, nhẫn tâm. Là một nhà giáo, hơn nữa còn là người đứng đầu trường học nhưng bà hiệu trưởng đã có hành vi làm khống chứng từ rút tiền ăn của học sinh được hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Còn 2 công chức xã Pú Xi thì chiếm đoạt tiền hỗ trợ tiền điện của hộ nghèo, hộ chưa có điện.

Tham ô nói chung đã mất phẩm giá; nhưng khi hiệu trưởng ăn chặn tiền hỗ trợ học sinh xã, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, cán bộ xã ăn chặn tiền hỗ trợ hộ nghèo thì chỉ có thể nói là táng tận lương tâm!

Điều đáng nói là trước đó, những vụ việc cán bộ phạm tội tham ô trên địa bàn tỉnh đều bị điều tra, xử lý nghiêm minh. Đơn cử vụ án 4 cán bộ xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) tham ô tài sản, trong đó có việc chiếm đoạt tiền điện hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đã phải lĩnh án từ 2 năm đến 8 năm 6 tháng tù giam.

Thông tin liên quan vụ án, việc xét xử đều được đăng tải, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, được chia sẻ trên mạng xã hội. Chắc hẳn những cán bộ ở Pú Xi và Phình Giàng đều biết những vụ việc đó.

Nhưng họ vẫn phạm tội!

Không thể chấp nhận lý do phạm tội do nhận thức hạn chế. Bởi đã là hiệu trưởng, công chức văn phòng, văn hóa xã thì đều được đào tạo về văn hóa, chuyên môn; có hiểu biết về lý luận chính trị; nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước theo quy định về tiêu chuẩn.

Cũng khó nói rằng họ phạm tội bởi nguyên nhân khách quan là chính sách tiền lương, thu nhập thấp. Bởi còn hàng trăm, hàng nghìn cán bộ cơ sở cùng vị trí, chức vụ, ở địa bàn công tác tương tự, nhưng không vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến phạm tội là thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn và những sơ hở, lơi lỏng trong công tác quản lý để tham nhũng, trục lợi.

Với tinh thần “4 không”, Đảng ta chủ trương xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”; bảo đảm chế độ chính sách để “không cần tham nhũng” và xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn tham nhũng”.

Vấn đề là việc triển khai thực hiện có quyết liệt, hiệu quả không?

Để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” thì việc đánh giá đúng về năng lực, phẩm chất đạo đức, bố trí đúng vị trí, gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là yếu tố then chốt. Song thực tế thì nhiều nơi việc đánh giá, bình xét xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức viên chức vẫn còn tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý nên phê bình thiếu nghiêm túc, mang tính hình thức. Vẫn còn tâm lý ngại đấu tranh với biểu hiện tham nhũng trong nội bộ. Trong khi đó, ở cấp cơ sở, nhiều đơn vị quy chế làm việc chưa chặt chẽ; việc công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, điều hành còn hạn chế, sơ hở. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự được chú trọng, nhất là đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Nguyên nhân thực ra không khó xác định.

Song, quan trọng vẫn là thực thi việc khắc phục như thế nào?

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top