Ly hôn trong gia đình trẻ gia tăng

15:06 - Thứ Tư, 28/06/2023 Lượt xem: 5547 In bài viết

ĐBP - Số vụ việc ly hôn tăng qua từng năm, những vụ việc ly hôn có vợ và chồng trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi ngày càng tăng, thời gian trong kỳ hôn nhân ngắn… Thực trạng trên cho thấy hôn nhân của các gia đình trẻ trong nhịp sống hiện đại đang ngày càng thiếu sự gắn bó và tính bền vững.

Cán bộ Tòa án Nhân dân tỉnh sắp xếp hồ sơ vụ việc hôn nhân và gia đình.

Gia tăng ly hôn trong giới trẻ

Anh N.M.Q (sinh năm 1990) và chị N.C.A (sinh năm 1993), phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) kết hôn năm 2014. Trước đó, cặp đôi này đã có thời gian tìm hiểu hơn 4 năm. Cứ tưởng quãng thời gian gắn bó, yêu nhau say đắm sẽ giúp cặp đôi thấu hiểu và trân trọng nhau hơn. Thế nhưng, mặc dù đã có với nhau 1 bé trai kháu khỉnh nhưng cả hai đã quyết định “đường ai nấy đi” chỉ sau vài năm về chung một nhà. Lý do đề nghị ly hôn được đưa ra đó là không cùng quan điểm, không hợp nhau cách sống. Sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa án công nhận cho họ thuận tình ly hôn. Con trai thỏa thuận giao cho người chồng chăm sóc, nuôi dưỡng.

Không có thời gian tìm hiểu về nhau nhiều như anh Q. và chị A. vợ chồng chị L.T.T (sinh năm 1994) và anh M.V.P (sinh năm 1989), xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) lại đến với nhau thông qua giới thiệu của bạn bè và tiến tới hôn nhân chỉ sau thời gian ngắn tìm hiểu. Sau một thời gian chung sống, khi con gái mới chưa đầy 1 tuổi, chị T. gửi đơn xin ly hôn, đồng thời quyết định đưa con gái về nhà ngoại sinh sống. Nguyên nhân ly hôn là do tính tình vợ chồng không hợp, bất đồng quan điểm sống, ngoài ra anh P. còn ham chơi, không quan tâm đến gia đình, dẫn đến vợ chồng thường xuyên cãi nhau.

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp ly hôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh, những năm gần đây, tình trạng ly hôn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở những cặp vợ chồng trẻ. Từ ngày 1/12/2022 đến 31/5/2023, Tòa án Nhân dân 2 cấp đã thụ lý 497 vụ việc hôn nhân và gia đình và đã giải quyết 345 vụ việc; tập trung chủ yếu tại huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ. Trong đó, số vụ việc ly hôn có vợ và chồng trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi là 123 vụ việc (tăng 8 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022). Cùng với đó, thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tòa án 2 cấp đã tiến hành hòa giải 364 vụ việc. Thực trạng này cho thấy sự mất ổn định, thiếu bền vững của hôn nhân gia đình, đặc biệt là trong các gia đình trẻ.

Trân trọng, bảo vệ hạnh phúc gia đình

Yêu sớm, cưới vội, rồi sớm ra tòa - đó là kết cục buồn của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như mâu thuẫn trong đời sống thường ngày, không sắp xếp được cuộc sống, thiếu chăm lo gia đình, con cái; mâu thuẫn giữa các mối quan hệ trong gia đình... Đặc biệt, với nhiều bạn trẻ, yêu nhanh, cưới nhanh và khi hôn nhân không còn là “màu hồng” thì dễ dàng buông bỏ để “giải thoát” cho nhau. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh, nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình chiếm khoảng 72%; ma túy, cờ bạc khoảng 11%; các nguyên nhân khác khoảng 17%.

Thẩm phán Vũ Thị Nhung, Tòa án Nhân dân TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hôn nhân đổ vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành, hậu quả để lại là những đứa con phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Điều đó dẫn đến trẻ gặp khó khăn trong quá trình phát triển nhân cách, thậm chí dễ sa vào các tệ nạn xã hội; dẫn tới việc gia tăng các loại tội phạm tuổi vị thành niên.

Để hạn chế tình trạng ly hôn, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình; đặc biệt chú trọng đến truyền thông, giáo dục đời sống gia đình, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực chỉ đạo tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các nội dung liên quan đến gia đình; tuyên dương các gia đình trẻ tiêu biểu; xây dựng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các huyện, thị, thành phố…

Tuy nhiên, để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bản thân mỗi người hãy luôn trân trọng và có ý thức bảo vệ hạnh phúc gia đình. Thanh niên trước khi kết hôn nên trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, giao tiếp ứng xử trong gia đình, kỹ năng nuôi dạy con, xử lý những khác biệt về người bạn đời. Với các cặp vợ chồng cũng cần nhận thức vai trò, vị trí của mình trong xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top