Giảm khoảng 3000 người chết mỗi năm vì TNGT - một con số rất nhân văn và ý nghĩa

14:29 - Thứ Năm, 06/07/2023 Lượt xem: 3764 In bài viết

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, năm 2012, TNGT đã làm gần 10 nghìn người chết thì đến năm 2022, số người chết đã giảm xuống gần 7 nghìn người, như vậy chúng ta đã kéo giảm được khoảng 3 nghìn người chết mỗi năm vì TNGT - một con số rất nhân văn và ý nghĩa.

Sáng 6/7, tại Hội nghị trực tuyến quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Trong đó cho biết, sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18, các cấp, các ngành đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể hoá bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động với rất nhiều giải pháp đồng bộ quyết liệt. Từ đó, tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT được nâng lên, TNGT được kiềm chế và giảm dần qua từng năm. So với 10 năm trước, TNGT giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết và giảm 44% số người bị thương.

Các đại biểu dự hội nghị.

“Nếu năm 2012, TNGT đã làm gần 10 nghìn người chết thì đến năm 2022, số người chết đã giảm xuống gần 7 nghìn người, như vậy chúng ta đã kéo giảm được khoảng 3 nghìn người chết mỗi năm vì TNGT – một con số rất nhân văn và ý nghĩa” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh. Đồng chí Thứ trưởng cho biết thêm, ùn tắc giao thông đã được hạn chế, hệ thống kết cấu hạ tầng đã có bước phát triển mạnh mẽ; chất lượng vận tải ngày càng được nâng cao, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TTATGT, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

CSGT tặng mũ cho người tham gia giao thông.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng cho biết, dù đạt được nhiều kết quả nhưng việc triển khai Chỉ thị 18 tại một số địa phương, cơ sở nhiều hạn chế, một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, nêu gương trong chấp hành pháp luật về giao thông, còn tình trạng vi phạm, thậm chí vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng  như sử dụng rượu bia gây tai nạn chết người, chống đối lực lượng thi hành công vụ. Tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm TTATGT diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng, với tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự của cán bộ, chiến sỹ khi thi hành công vụ. Đã xảy ra 362 vụ chống đối CSGT, làm 4 đồng chí hy sinh, 194 đồng chí bị thương.

Công tác quản lý Nhà nước về TTATGT trong 1 số lĩnh vực như quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, quản lý kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hạn chế, thiếu hiệu quả, chậm được khắc phục, thậm chí có tiêu cực, nhũng nhiễu mang hệ thống như trong lĩnh vực đăng kiểm, gây bức xúc trong dư luận.

CSGT phân luồng cho phương tiện tham gia giao thông an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cũng nêu một số hạn chế trong thực hiện Chỉ thị 18 như: việc ban hành luật, văn bản dưới luật về công tác này còn bất cập, thiếu đồng bộ; việc phát triển hạ tầng ở một số địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đi lại; kết quả kiềm chế và làm giảm TNGT chưa vững chắc, còn ở mức cao; ùn tắc ở đô thị lớn diễn ra thường xuyên; tình trạng chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp…

Đánh giá các nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm được rút ra. Đó là bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ của toàn xã hội, do đó công tác bảo đảm TTATGT phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, mọi mặt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị vào công tác này, trong đó lực lượng CAND và giao thông vận tải giữ vai trò đầu tàu, xuyên suốt.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải sâu sát, nắm chắc tình hình. Phải phân công, bố trí lực lượng hợp lý, khoa học. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa với xử lý nghiêm minh, chăm lo công tác cán bộ, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, tư thế, tác phong, kỹ năng xử lý tình huống của đội ngũ chuyên trách làm công tác bảo đảm TTATGT. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào công tác đảm bảo TTATGT, nhất là kiểm tra, kiểm soát và quản trị, điều hành giao thông, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, giảm bớt hoạt động tuần tra, kiểm soát trực tiếp của lực lượng chức năng, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng ngừa sai phạm.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top