Phát triển hạ tầng số ở Nậm Pồ

08:56 - Thứ Tư, 19/07/2023 Lượt xem: 4091 In bài viết

ĐBP - Xác định phát triển hạ tầng số là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; những năm qua huyện Nậm Pồ đã ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Ðây được coi là giải pháp căn cơ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” UBND huyện Nậm Pồ ứng dụng CNTT trong hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Ðây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, thực hiện chương trình chuyển đổi số, huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát thực tế hiện trạng, cơ sở hạ tầng, việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc trên môi trường mạng; tăng cường hợp tác giữa các ngành, chính quyền các cấp với công ty viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số để huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển hạ tầng số của huyện.

Hiện nay, hệ thống kỹ thuật, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông Nậm Pồ đã có những bước tiến vượt bậc, cơ bản đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng tiến tới chuyển đổi số. Toàn huyện có 442 máy tính; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính đạt 100%; 100% máy tính kết nối internet băng rộng, tốc độ cao (trừ các máy tính phục vụ công tác soạn thảo, lưu trữ văn bản mật); UBND huyện và 100% xã được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ huyện đến xã 100% sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Ðảng, Nhà nước, vì vậy cơ bản kết nối ổn định và đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.

Bên cạnh đó, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác, chủ động ứng dụng CNTT trong công việc, góp phần hỗ trợ tốt công tác xử lý nghiệp vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị đã có sự quan tâm đến việc chỉ đạo ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ gắn với CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, thay đổi thói quen làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian, công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.

Cùng với hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn huyện không ngừng được mở rộng đầu tư xây dựng. Huyện Nậm Pồ từng bước xóa vùng trắng sóng, điểm lõm sóng, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng, kết nối của cơ quan nhà nước cũng như phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 65/121 bản được kết nối đường truyền internet cố định cáp quang (đạt 53,7%); số bản có sóng điện thoại di động là 112/121 bản (đạt 92,6%); trong đó số bản có sóng 3G trở lên là 107/121 bản (đạt 88,4%); tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh ước đạt 47%; tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 22%.

Anh Mùa A Pó, bản Nậm Chim, xã Si Pa Phìn chia sẻ: “Từ internet cáp quang, người dân có thể tiếp cận với nguồn dữ liệu phong phú trên mạng, các ứng dụng, tiện ích phục vụ đời sống, giải trí và các dịch vụ công trực tuyến; có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, học sinh được học những bài học trực quan qua hình ảnh...”.

Tuy đã đạt những thành tựu nhất định, nhưng là huyện vùng cao, biên giới, việc phát triển hạ tầng số ở Nậm Pồ vẫn gặp nhiều khó khăn. Số bản được kết nối đường truyền internet cố định cáp quang chưa cao; trang thiết bị máy tính của các cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã đã đủ về số lượng, tuy nhiên nhiều máy có cấu hình thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ… Công tác thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp chưa đáp ứng được lộ trình chung của tỉnh.

Trước yêu cầu cấp thiết phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số nhanh và bền vững, thời gian tới huyện Nậm Pồ tiếp tục bố trí kinh phí nâng cấp đối với máy tính chưa hết niên hạn sử dụng nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tổng hợp nhu cầu mua sắm máy tính mới để đưa vào kế hoạch mua sắm năm 2024. Ðặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số huyện trong công tác tham mưu; chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy, phát triển nhân lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cán bộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển... góp phần mang lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho nhân dân các dân tộc vùng cao.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top