Giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

08:54 - Thứ Ba, 01/08/2023 Lượt xem: 4959 In bài viết

ĐBP - Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được huyện Nậm Pồ ban hành kế hoạch thực hiện. Việc triển khai dự án kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để phụ nữ phát huy được vai trò, thế mạnh của mình trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Cán bộ Hội LHPN xã Phìn Hồ phổ biến, tuyên truyền Dự án 8, thành lập các nhóm truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới trong xã.

Bà Lầu Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nậm Pồ cho biết: Nậm Pồ là huyện nghèo, đa số nhân dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn. Vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em còn bị xem nhẹ; chất lượng cuộc sống của phụ nữ, trẻ em gái tại các khu vực vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Việc triển khai Dự án 8 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, bản khó khăn; đặc biệt ưu tiên phụ nữ, trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, người khuyết tật…

Huyện Nậm Pồ có 15 xã, qua khảo sát 100% xã thuộc đối tượng triển khai Dự án 8. Ðến thời điểm hiện tại, Dự án đã triển khai các lớp tập huấn truyền thông tập trung đối với 8 xã, dự kiến đầu tháng 8 sẽ tập huấn xong 15/15 xã. Các lớp tập huấn chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng, nhân rộng các nhóm truyền thông cộng đồng, các tổ tiết kiệm và vay vốn; từ đó tạo quyền năng kinh tế, tiếng nói và sự tham gia đối với các vấn đề tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể là phụ nữ và trẻ em. Dự án cũng tích cực phổ biến, trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Ðể đảm bảo phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc tốt sức khỏe trẻ sau sinh, tại mỗi tổ truyền thông cộng đồng sẽ phổ biến, tuyên truyền về 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn; gồm: Hỗ trợ chăm sóc trước sinh, trong, sau sinh và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Với từng địa bàn cụ thể, việc xây dựng, triển khai sẽ có những điều chỉnh nhất định cho phù hợp.

Chị Chớ Thị Mò, Chủ tịch Hội LHPN xã Phìn Hồ chia sẻ: Mỗi dân tộc có một đặc thù phong tục, tập quán khác nhau. Ðối với các bản đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở vùng cao, điều kiện kinh tế kém phát triển, nắm bắt thông tin còn hạn chế, vai trò phụ nữ và sự phát triển của trẻ em vẫn bị xem nhẹ. Thay đổi cách nghĩ của đồng bào không phải một sớm một chiều. Hiện tại việc thực hiện Dự án 8 tại xã mới tiến hành triển khai tuyên truyền, xây dựng các nhóm truyền thông cộng đồng ở các bản với sự chung tay, góp sức của cả hai giới. Người dân tại các bản hưởng ứng rất tích cực, đặc biệt là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Ðể việc tuyên truyền đến người dân có hiệu quả cao nhất, các nhóm truyền thông cộng đồng kết hợp nhiều hình thức khác nhau, từ trực tiếp đến từng thôn bản, gõ cửa từng nhà lồng ghép với gửi nội dung, thông tin qua các trang, nền tảng mạng xã hội.

Có thể thấy, đây là những hoạt động đầu tiên trong việc thực hiện Dự án 8 tại huyện Nậm Pồ. Từ những hoạt động cụ thể, sát sườn sẽ tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động thuộc Dự án trong thời gian tới; từng bước giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội phát triển và bình đẳng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Bài, ảnh: Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top