Chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

09:06 - Thứ Tư, 09/08/2023 Lượt xem: 4478 In bài viết

ĐBP - Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ nhưng “nỗi dau da cam” vẫn dai dẳng, nhức nhối suốt nhiều năm qua. Hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về kinh tế, đau đớn về thể xác và tinh thần bởi di chứng da cam gây ra các bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật, trong đó có cả thế hệ thứ 2, thứ 3. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, Ðiện Biên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn, động viên nạn nhân chất độc da cam vượt qua nỗi đau bệnh tật để vươn lên ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên. Ảnh: Ðức Linh

Toàn tỉnh hiện có gần 230 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó hơn 180 trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia hoạt động kháng chiến và gần 50 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hầu hết nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thường xuyên bị đau ốm, bệnh tật, nhiều trường hợp thế hệ thứ 2 và thứ 3 bị dị dạng, dị tật bởi di chứng của chất độc da cam dioxin. Kịp thời chia sẻ khó khăn, phần nào bù đắp những thiệt thòi mà nạn nhân chất độc da cam đang gánh chịu, tỉnh ta đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ để công nhận cho các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam; chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng. Hiện có 4 mức trợ cấp hàng tháng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 2 mức trợ cấp cho con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, mức trợ cấp thấp nhất là hơn 1,2 triệu đồng/tháng và mức cao nhất là hơn 3,7 triệu đồng/tháng cộng với tiền phụ cấp, chế độ trợ cấp cho người phục vụ. Sắp tới, mức trợ cấp dành cho đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia hoạt động kháng chiến sẽ tiếp tục được nâng cao theo quy định của Nhà nước. Hàng năm, 100% nạn nhân chất độc da cam còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; được thăm, tặng quà vào các dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7).

Ông Ðoàn Văn Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ: Quan tâm chăm sóc nạn chất độc da cam/dioxin, hàng năm Hội đều tích cực kêu gọi, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ về vật chất, tinh thần nhằm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. Từ đầu năm đến nay, Hội đã vận động được 29 đơn vị ủng hộ với tổng số tiền hơn 48 triệu đồng. Từ số tiền ủng hộ Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, như: Thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, khi bị ốm đau; phúng viếng khi qua đời, hỗ trợ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, gặp mặt hội viên vào dịp tết, ngày Thảm họa da cam Việt Nam (10/8). Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã tổ chức phúng viếng, thăm hỏi, tặng quà cho hơn 40 lượt hội viên bị ốm đau, qua đời với tổng số tiền trên 20 triệu đồng. Nhân dịp kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2023), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ mỗi hội viên 100 nghìn đồng để tổ chức gặp mặt và giao lưu, đồng thời tổ chức trao tặng 64 suất quà (trị giá 500 nghìn đồng/suất) cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo và con đẻ của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ðặc biệt, nhằm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở, năm 2022 từ nguồn hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội đã giúp 3 gia đình hội viên sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm Hội còn tổ chức cho hội viên đi điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh.

Trở về địa phương sau khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, ông Nguyễn Văn Huyễn, đội 19, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Vì thế, 3 trong số 5 người con của ông đều bị di chứng của chất độc da cam; một người đã mất, 2 người con còn lại thần kinh không ổn định, thường bị co giật, sức khỏe yếu. Bản thân ông Huyễn năm nay đã 91 tuổi nên thường xuyên ốm đau phải có người chăm sóc, phục vụ. Mặc dù ông và các con đều được nhận trợ cấp hàng tháng nhưng do bệnh tật thường xuyên phải mua thuốc điều trị, lại thêm chi phí sinh hoạt hàng ngày nên cuộc sống hết sức khó khăn. Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình ông, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm, tặng quà, động viên gia đình vượt qua khó khăn. Năm 2022, người con trai bị di chứng bởi chất độc da cam/dioxin từ ông đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng để sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống.

Bằng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa đã thể hiện sự quan tâm chăm lo của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Phát huy kết quả đạt được cùng với sự chung tay sẻ chia của cả cộng đồng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đóng góp của nhiều tập thể, cá nhân để có nguồn lực tổ chức các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, giúp họ vơi bớt khó khăn, có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Ðức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top