Phát triển đồng bộ mạng lưới hạ tầng thông tin viễn thông

09:10 - Thứ Hai, 14/08/2023 Lượt xem: 6390 In bài viết

ĐBP - Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin là khâu then chốt trong đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Những năm qua, hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Ðảng, Nhà nước các cấp và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của nhân dân...

Hạ tầng thông tin viễn thông phát triển về vùng sâu, vùng xa góp phần vào công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Ðoàn viên thanh niên xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé hướng dẫn người dân bản Nậm Pố kích hoạt tài khoản VNeID trên điện thoại thông minh. Ảnh: Diệp Chi

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, chất lượng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh đã và đang được nâng cao. Mức độ phổ cập điện thoại thông minh, internet và sử dụng dữ liệu trong nhân dân ngày càng tăng. Hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Ðảng, Nhà nước các cấp và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của nhân dân, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet với tổng số 890 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS). Trong đó, 811 vị trí có phủ sóng 3G, 801 vị trí có phủ sóng 4G. Tổng số thuê bao điện thoại tính đến tháng 6/2023 ước đạt hơn 548.000 thuê bao, đạt 84 thuê bao di động/100 dân. Sóng thông tin di động (3G, 4G) được phủ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và 95% khu vực có dân cư sinh sống. Toàn tỉnh có 510 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.350km, tập trung chủ yếu là hạ tầng của Viettel Ðiện Biên, Viễn thông Ðiện Biên. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và 93% cấp thôn, bản; tổng số thuê bao internet băng rộng cố định tính đến tháng 6/2023 ước đạt hơn 63.000 thuê bao, đạt 46% hộ gia đình có kết nối internet. Số thuê bao internet/100 dân đạt 78,6; tỷ lệ người sử dụng internet đạt 71,5%. Theo ước tính, tổng doanh thu các dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm 2023 đạt 381,33 tỷ đồng...

Hạ tầng số tại các cơ quan Nhà nước được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng dịch vụ số, xây dựng chính quyền số của tỉnh. Ðến nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước các cấp đạt 100% và được kết nối mạng internet tốc độ cao, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Ðảng và Nhà nước. Hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh (hệ thống được kết nối từ Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đến 129 xã phường), số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng. Ngoài ra, 100% cơ quan Nhà nước các cấp đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử ký số, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 97%. Tổng số chứng thư số chuyên dùng Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp phát cho tỉnh Ðiện Biên đến thời điểm hiện tại đạt trên 4.000 chứng thư số cho tổ chức và chữ ký số cá nhân. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã được triển khai cấp cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã với trên 4.000 tài khoản; trên 90% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc. 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ước trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện tiếp nhận trên 60.000 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 99,6%; số hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 69%.

Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh miền núi, hạ tầng dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Trang thiết bị công nghệ thông tin của nhiều cơ quan đơn vị, đặc biệt là ở cấp xã còn thiếu, hư hỏng, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị chưa được liên thông, các cơ sở dữ liệu lớn chưa được xây dựng, chưa cung cấp dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp gây khó khăn trong việc khai thác, sử dụng. Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tuy có những chuyển biến tích cực về số lượng, nhưng chất lượng và hiệu quả cần phải cải thiện rất nhiều...

Ðể tiếp tục phát triển mạng lưới hạ tầng thông tin viễn thông đồng bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế, nghiên cứu phát triển hạ tầng số an toàn, hiện đại đáp ứng nhu cầu của kinh tế số, xã hội số theo các quy định của pháp luật. Ðồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong nội bộ các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Trang thiết bị công nghệ số; hạ tầng mạng LAN, mạng internet băng rộng cố định... đảm bảo các điều kiện cần thiết sẵn sàng thực hiện kết nối, triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh. Nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp. Thực hiện cáp quang hóa toàn tỉnh, phát triển cáp quang đến tất cả trạm viễn thông, trạm truy nhập. Ðẩy nhanh việc phổ cập dịch vụ viễn thông và internet đến mọi người dân trên toàn tỉnh; trong đó tập trung phát triển phổ cập dịch vụ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý triệt để rác viễn thông (SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo, tin nhắn rác), bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mục đích phát triển thị trường lành mạnh và bền vững...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top