Ðiểm tựa lúc rủi ro cho người lao động

09:05 - Thứ Ba, 15/08/2023 Lượt xem: 5351 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) nói chung và chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, địa phương chú trọng triển khai. Việc tăng cường, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách đã giúp người sử dụng lao động, người lao động nâng cao nhận thức và thực hiện hiệu quả công tác ATVSLÐ, phục vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhờ chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chị Phạm Thị Út, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đã ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Chị Út trong một giờ lên lớp.

Chị Phạm Thị Út, giáo viên Khoa Lâm - Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên, trong quá trình đi giảng dạy tại các xã, bản vùng sâu vùng xa bị tai nạn dẫn đến gãy chân. Biến cố xảy ra khiến gia đình chị Út bị xáo trộn, chị phải ở nhà chạy chữa không đi làm được mà chi phí điều trị cao. Chị Út chia sẻ: Lúc đó, gia đình thật sự khó khăn, cũng may có sự hỗ trợ từ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tôi đã có thêm động lực vực dậy tinh thần. Hiện nay, với tỷ lệ thương tật 35%, tôi đang nhận mức trợ cấp trên 776 nghìn đồng/tháng. Trong giai đoạn ngặt nghèo, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất có ý nghĩa với những người lao động như tôi.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh thất nghiệp là một trong những chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động một phần chi phí khi có tai nạn xảy ra. Triển khai chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Sở chỉ đạo các phòng chức năng, địa phương phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy nhanh giải quyết các thủ tục trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đồng thời có những hỗ trợ kịp thời giúp gia đình người lao động sớm vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết 12 trường hợp; trong đó 5 trường hợp hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần với số tiền trên 329 triệu đồng, 7 trường hợp trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng với tổng mức trợ cấp 1 tháng trên 12 triệu đồng.

Với vai trò là cơ quan thường trực về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác ATVSLÐ. Hàng năm, Sở tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch Tháng hành động về ATVSLÐ. Cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLÐ của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, Sở phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến người lao động, người sử dụng lao động, giúp cho người lao động hiểu được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhân sự làm công tác ATVSLÐ trong các doanh nghiệp, cán bộ quản lý về lao động của các cơ quan nhà nước, nhất là cấp huyện, thị, thành phố để triển khai thực hiện hiệu quả chính sách.

Từ năm 2022 đến nay, Sở đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 120 người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLÐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã; cấp phát hơn 3.200 tranh áp phích tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh. Sở phối hợp với Báo Ðiện Biên Phủ, Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ðể triển khai tốt chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLÐ. Hướng dẫn cách tham gia, giải quyết chế độ, chính sách cho từng trường hợp cụ thể, bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Ðồng thời, kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLÐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top