Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ

08:49 - Thứ Hai, 17/04/2023 Lượt xem: 5087 In bài viết

ĐBP - Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số trường hợp bệnh phục hồi tốt khi được điều trị đúng cách; nếu trẻ bị tiêu chảy dài ngày kèm nôn có thể gây mất nước quá nhiều dẫn đến rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) thăm, khám bệnh nhi.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.857 ca mắc tiêu chảy, tập trung ở các huyện: Mường Nhé (111 trường hợp), Điện Biên Đông (270 trường hợp), Nậm Pồ (82 trường hợp), thị xã Mường Lay (720 trường hợp)... trong đó, phần lớn là trẻ nhỏ.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, như do nhiều loại vi khuẩn, vi rút gây ra, các loại vi trùng tả, thương hàn, kiết lỵ, do ký sinh trùng đường ruột... Trong đó, Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh thường chỉ kéo dài trong 3 - 7 ngày, với các biểu hiện thường thấy là sốt nhẹ, quấy khóc, hơi mệt, nôn, tiêu chảy, đi ngoài từ 3 - 10 lần/ngày, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Đường lây của bệnh tiêu chảy chủ yếu qua ăn uống các thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Bác sĩ Lò Thị Tranh, Trưởng khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Từ đầu năm đến nay, tại huyện Điện Biên có 71 ca mắc tiêu chảy, trong đó, đa số là trẻ em. Một số trường hợp nhập viện hoặc đến các cơ sở y tế khi đã bị mất nước ở thể nặng do gia đình chủ quan, trẻ đi ngoài nhiều không đưa đi khám ngay mà để ở nhà theo dõi từ 2 - 3 ngày, khiến trẻ mất nước quá nhiều, li bì, gây khó khăn cho quá trình điều trị; đã có trường hợp trẻ bị nặng phải chuyển lên tuyến trên gấp. Đối với trường hợp những trẻ bị mất nước ở thể nhẹ do tiêu chảy thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, chỉ cần bù nước điện giải bằng đường uống. Trẻ bị mất nước ở thể nặng, thì phải bù nước theo đường truyền tĩnh mạch, bổ sung thêm vitamin, kẽm nhằm tăng cường sức đề kháng cho đường ruột. Cha mẹ cần phải theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi thấy trẻ có một trong những biểu hiện: Bỏ ăn, nôn, đi đại tiện 3 lần/ngày phân lỏng màu vàng hoặc toàn nước có thể kèm theo sốt... thì cần đưa trẻ đến ngày cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị, tránh tình trạng tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, phụ huynh cần tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tăng cường sức khỏe cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm vào bữa ăn hàng ngày. Tăng cường hoạt động để tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe. Khi trẻ bị tiêu chảy cần phải bù điện giải cho trẻ, tốt nhất là bằng nước oresol pha theo đúng chỉ dẫn hoặc dùng thêm các loại thuốc giúp ruột nhanh hồi phục theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy... vì các thuốc này sẽ làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn. Tất cả mọi người đều thực hiện ăn chín uống sôi, không uống nước lã và không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt  là mắm tôm sống, gỏi cá, tiết canh...

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top