Kinh tếĐầu tư

Thu hút đầu tư chưa như kỳ vọng

15:12 - Thứ Ba, 12/12/2023 Lượt xem: 5869 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã ban hành một số cơ chế, chính sách; tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư tại các diễn đàn, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư của địa phương, nhất là vào các lĩnh vực tiềm năng, như: Công nghiệp, du lịch, năng lượng, nông nghiệp… vẫn chưa như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Do lợi thế cạnh tranh thấp nên việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; năm 2023 giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 3.500 tỷ đồng. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Xi măng Điện Biên sản xuất bán sản phẩm.

Năng lượng là một trong những lĩnh vực tiềm năng của tỉnh Điện Biên. Hiện toàn tỉnh có 86 dự án phát triển năng lượng. Trong đó, lĩnh vực thủy điện chiếm lợi thế hơn hẳn với tổng số 68 dự án; điện gió có 13 dự án; điện sinh khối, điện rác có 5 dự án; 7 dự án thuộc hệ thống lưới điện truyền tải đã, đang triển khai. Hiện nay toàn tỉnh có 18 dự án thủy điện đang vận hành khai thác, tổng công suất lắp máy 263,3kw.

Việc thực hiện các dự án năng lượng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay có 18 dự án thủy điện đang triển khai và dự án đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đều chậm tiến độ, chưa thi công xây dựng. 16 dự án thủy điện đã được tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư và 18 dự án điện gió, điện sinh khối, điện rác hiện cũng chậm tiến độ so với kế hoạch vì vướng thủ tục, quy hoạch và giải phóng mặt bằng.

Đại diện Ban Quản lý dự án lưới điện (Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc) kiến nghị tỉnh Điện Biên sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong dự án Trạm biến áp 220kV Điện Biên và đường dây 220kV Sơn La - Điện Biên.

2 dự án truyền tải trên địa bàn tỉnh gồm: Dự án Trạm biến áp 220kV Điện Biên và đường dây 220kV Sơn La - Điện Biên có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo điện cho tỉnh, đặc biệt là giải tỏa công suất nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo với công suất lớn trên địa bàn tỉnh lên hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, cả 2 dự án vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Để đáp ứng Quy hoạch Phát triển Điện lực của tỉnh, đảm bảo việc cung cấp điện vào mùa khô và đồng thời góp phần khai thác, truyền tải công suất của thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, đại diện Ban Quản lý dự án lưới điện (Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc) đề nghị xem xét, sớm tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời đưa các dự án trên vào danh mục các công trình trọng điểm của tỉnh Điện Biên nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong tháng 6/2024, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối với lĩnh vực du lịch, những năm qua tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào tìm hiểu, ký cam kết, đầu tư vào địa bàn. Đến nay đã có một số nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu, ký cam kết đầu tư, nhưng vướng mắc cơ chế chính sách, mặt bằng nên đa số dự án đều chưa hoặc không triển khai thực hiện được.

Du lịch một trong thế mạnh của tỉnh, nhưng hiện nay gần như chưa thu hút được nhà đầu tư lớn vào khai thác. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan di tích Đồi A1.

Đơn cử, Tập đoàn Sun Group ký cam kết và xác định đầu tư xây dựng tuyến cáp treo tại xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, nhưng do vướng mắc cơ chế, mặt bằng, nên chưa thực hiện được. Cụ thể, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể đô thị, dịch vụ, cáp treo Điện Biên Phủ được xây dựng tại khu đất nghiên cứu lập quy hoạch nằm trên địa phận xã Pá Khoang, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) và xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) với tổng diện tích 318,33ha.

Bên cạnh đó, vị trí nghiên cứu không nằm trong các khu vực trọng tâm định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát các hạng mục dự kiến đầu tư thuộc Đồ án quy hoạch có ảnh hưởng đến Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia.

Hiện nay, việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chưa thực hiện được, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn tham gia. Trong khi tỉnh Điện Biên xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại khó khăn, mất nhiều thời gian di chuyển.

Cùng đó, sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng để phát triển du lịch còn nhiều hạn chế; các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn hầu hết quy mô còn nhỏ hạn chế về vốn, năng lực hoạt động. Trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho công tác lập quy hoạch xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, xúc tiến, quảng bá còn rất thấp.

Nông nghiệp cũng là lĩnh vực thế mạnh tỉnh, nhưng năm 2023 chỉ có 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tuy nhiên, quy mô, chất lượng chưa tương xứng tiềm năng, chủ yếu cá nhân. Trong ảnh: Người dân xã Búng Lao, huyện Mường Ảng đầu tư trồng cây ăn quả.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực thủy điện, thương mại, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, vật liệu xây dựng, khu dân cư, với tổng số vốn đăng ký hơn 5.332 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án, lũy kế có 210 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top