Gieo chữ ở Pú Vang

08:56 - Thứ Bảy, 05/11/2022 Lượt xem: 5824 In bài viết

ĐBP - Được biết đến là một trong những bản khó khăn bậc nhất của xã Mường Mươn (huyện Mường Chà), nhiều năm qua, dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, song cuộc sống của người dân bản Pú Vang cũng như công tác giáo dục nơi đây còn không ít khó khăn...

Tiết học của cô trò Điểm trường Mầm non bản Pú Vang.

Bản Pú Vang nằm cheo leo trên đỉnh núi khô cằn, thiếu sức sống. Nơi đây, đời sống của người dân đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo gần 100%, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc gieo chữ trên đỉnh Pú Vang gặp muôn vàn gian khó. Là người gắn bó với điểm bản Pú Vang, Trường Mầm non Mường Mươn gần 5 năm, cô giáo Đinh Thị Yến cảm nhận được hết sự nhọc nhằn của việc gieo chữ nơi đây. Cô Yến chia sẻ: “Dù cách trung tâm xã chỉ gần 10km, song vài năm trước, để đến được bản Pú Vang, chúng em phải mất hơn một tiếng đồng hồ, thậm chí là gần hai tiếng nếu như thời tiết không thuận lợi. Nay thì đỡ hơn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Pú Vang đã có đường bê tông đến tận bản”.

Nay khó khăn hiện hữu nhất ở Pú Vang là thiếu nước sinh hoạt. Cô Yến cho biết, nguồn nước sinh hoạt ở đây rất khan hiếm. Để có nước dùng, các thầy cô phải tận dụng ở các mó nước quanh bản. “Điểm trường mầm non có 70 trẻ. Với số lượng đông như vậy, thường các thầy, cô phải thay nhau đi lấy nước cách nơi dạy gần 3km. Lần lấy buổi sáng là để cung cấp nước cho sinh hoạt của cô và trò từ trưa tới chiều; lần lấy nước buổi chiều là để dùng cho buổi sáng đến trưa của ngày hôm sau. Những ngày có nhiều người dân trong bản cùng đi lấy nước thì chúng em phải chờ cả tiếng đồng hồ mới có nước mang về” - cô Yến bộc bạch.

Không chỉ khan hiếm nước sinh hoạt, bao năm nay, bản Pú Vang cũng chưa có điện lưới quốc gia. Điều này không chỉ khiến cho đời sống người dân, mà công tác giáo dục nơi đây cũng gặp khó. Cô giáo Lò Thị Diên, giáo viên mầm non điểm bản Pú Vang cho biết: Những lúc mưa gió, trời tối sầm khiến việc dạy và học rất vất vả. Hơn nữa, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến đôi mắt của cả cô và trò.

Cô và trò trong giờ học ngoại khóa.

Chie sẻ của các thầy, cô giáo do cuộc sống khó khăn, nhận thức chưa cao nên người dân không mấy quan tâm đến việc học của con em mình. Bởi vậy, việc vận động học sinh đến trường được xem là nhiệm vụ thường xuyên của thầy cô nơi đây. Thầy Nguyễn Quốc Hùng, giáo viên điểm trường Pú Vang, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Mươn tâm sự: Điểm trường có hơn 30 học sinh thuộc lớp 1 và lớp 2. Mỗi sáng, chúng tôi phải dậy sớm, đi gọi học sinh đến lớp. Chúng tôi hiểu rằng, chỉ có con đường học tập mới là điều kiện tốt nhất để sau này làm hành trang giúp các em vượt qua khó khăn, thay đổi cuộc sống, trở thành người công dân có ích cho gia đình, xã hội. Do vậy, mỗi giáo viên chúng tôi luôn tâm niệm phải khắc phục khó khăn bằng mọi cách, nỗ lực đưa trẻ đến lớp.

Mấy năm gần đây, trước những khó khăn, thiếu thốn trong công tác giáo dục ở Pú Vang, nhiều cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ thầy trò nơi đây bằng các hoạt động thiết thực, như: Trao tặng quà, đồ dùng học tập, quần áo ấm, xây dựng cơ sở vật chất lớp học... Nhờ đó, đã đáp ứng phần nào nhu cầu thiết yếu của cả thầy và trò. Cô giáo Nguyễn Thị Hương Diệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Mường Mươn chia sẻ: Dù đã được quan tâm, song thầy cô giáo ở điểm bản Pú Vang vẫn rất cần sự sẻ chia cả về vật chất lẫn tinh thần của các cấp, các ngành. Nhất là việc đầu tư hệ thống điện lưới quốc gia cũng như đường nước sinh hoạt. Có như thế, không chỉ công tác giáo dục ở đó thuận lợi hơn mà chính đời sống của bà con cũng sẽ được cải thiện.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top