Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới

10:02 - Thứ Năm, 29/12/2022 Lượt xem: 8808 In bài viết

Năm học 2020-2021 là năm đầu ngành giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Đến năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc triển khai chương trình từ năm 2020 đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu như bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch, đồng bộ trên phạm vi cả nước; việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá từng bước được đổi mới.

Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Cụ thể, cấp tiểu học có 12.354 trường; cấp trung học cơ sở có 10.672 trường và cấp trung học phổ thông có 2.441 trường. Các địa phương đã quan tâm nhiều đến việc đầu tư cơ sở vật chất để tăng tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày. Hiện nay, tỷ lệ này của cấp tiểu học đạt 77,6% (tăng gần 3% so với năm học 2017-2018).

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng tiếp tục được nâng cấp, xây dựng thêm; trường, lớp, sân chơi, bãi tập ngày càng khang trang, sạch đẹp. Theo đó, cấp tiểu học có khoảng 31.658 phòng học bộ môn; cấp trung học cơ sở có khoảng 36.313 phòng học bộ môn; cấp trung học phổ thông có hơn 11 nghìn phòng học bộ môn.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng, nâng dần về chất lượng, từng bước khắc phục một phần bất hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục và phát triển các cấp học và trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt trình độ chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 năm học 2021-2022 theo từng cấp học như sau: Tiểu học là 75,3%, trung học cơ sở là 86,4%, trung học phổ thông là 99,9%. Đáng chú ý, công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được quan tâm và triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình, nhiều địa phương vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế như chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa, thiếu cục bộ; đặc biệt là cấp tiểu học. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục, sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử chưa đồng bộ...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong những năm tới, ngành giáo dục các địa phương cần rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm hiệu quả, phù hợp điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục. Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất và trang thiết bị trường lớp để phục vụ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở phổ thông.

Ngoài ra, rà soát, tuyển dụng, sắp xếp bố trí giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm đủ số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học và thực hiện điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Mặt khác, chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; bảo đảm các chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần từng bước nâng cao chất lượng sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu đổi mới thông qua các giải pháp kiểm tra giám sát theo quá trình biên soạn sách giáo khoa và thực nghiệm sách giáo khoa; phát huy vai trò của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa, làm tốt công tác thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa bảo đảm khách quan, minh bạch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình các trình độ chỉ đạo, thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm bảo đảm yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng. Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, trường học, giáo viên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top