Thư viện sách cho học sinh vùng cao

09:32 - Thứ Tư, 04/01/2023 Lượt xem: 7658 In bài viết

ĐBP - Đối với địa bàn vùng cao như tỉnh ta, thư viện trường học là nơi nuôi dưỡng ước mơ, mở cánh cửa rộng hơn với thế giới bên ngoài cho học sinh đồng bào các dân tộc. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác thư viện luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quan tâm, chỉ đạo đầu tư, bổ sung, phối hợp luân chuyển... để cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc và học của học sinh. Đồng thời góp phần phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, cảm xúc, tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu cho các em.

Học sinh Trường THCS Mường Thín, huyện Tuần Giáo đọc sách tại thư viện xanh của trường trong giờ ra chơi.

Giờ ra chơi không dài nhưng luôn đầy háo hức với học sinh Trường THCS Mường Thín, huyện Tuần Giáo. Sau tiếng trống ra chơi, nhiều học sinh ùa ra không gian thư viện xanh trong khuôn viên sân trường tìm đọc sách. Tranh thủ thời gian ít ỏi, các em chọn sách, báo thật nhanh, ngồi xuống ghế lật những trang mới, chăm chú đọc. Em Giàng Thị Báu, lớp 6A1, chia sẻ: “Ngày nào em cũng ra đây đọc sách. Em thường chọn đọc các quyển báo, tạp chí cho thiếu nhi dân tộc, truyện cổ tích Việt Nam và thế giới, sách dạy kỹ năng sống cho độ tuổi của mình. Sách mang đến cho em nhiều kiến thức lý thú, bổ ích, cho em biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài”.

Cô Nguyễn Thị Kim Chung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thư viện nhà trường đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thư viện tiên tiến. Hồ sơ, sổ sách thư viện được lưu trữ bảo quản và cập nhật thường xuyên. Hoạt động thư viện đảm bảo nhu cầu mượn và sử dụng sách, báo, tài liệu tham khảo cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh”.

Đáp ứng được nhu cầu mượn và đọc sách, nhưng thực tế hoạt động thư viện của hầu hết trường học trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế. Trong báo cáo tổng kết công tác thư viện năm 2022 của Sở GD&ĐT cũng nêu rõ: “Một số thư viện trường học có diện tích chưa đảm bảo quy định, chưa có phòng đọc riêng (phòng đọc chung với kho sách), nên học sinh chưa có thói quen tự học, tự nghiên cứu trên thư viện. Diện tích thư viện các trường phổ thông đa phần nhỏ hẹp, vốn tài liệu còn sơ sài, chưa đa dạng phong phú. Chủ yếu vẫn chỉ có sách giáo khoa và sách tham khảo, ít tài liệu giải trí. Nguyên nhân bởi nhiều trường phổ thông ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tập trung nguồn lực đầu tư chủ yếu cho xây dựng phòng học, nhà nội trú, bán trú cho học sinh. Việc đầu tư, mua sắm vốn tài liệu, phần mềm thư viện, kết nối liên thư viện giữa các trường chưa phải là ưu tiên hàng đầu, tài liệu bổ sung không thường xuyên, liên tục...”.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, thư viện được công nhận là thư viện tiên tiến năm 2020 nhưng số lượng sách cũng chưa đủ đáp ứng cho học sinh và cán bộ, giáo viên. Trường có 2 không gian đọc sách là phòng đọc và thư viện xanh, đáp ứng chỗ ngồi đọc cho 100 học sinh. Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường hiện có hơn 600 học sinh. Sách thư viện của trường được bổ sung từ nhiều nguồn, bao gồm Phòng GD&ĐT huyện hỗ trợ, các nguồn xã hội hóa giáo dục, nhà tài trợ, quyên góp sách, trường mua sắm... Sách nhiều nhưng so với quy định về thư viện trường học thì vẫn còn hạn chế. Hàng năm, trường có mua bổ sung sách mới nhưng cũng ít ỏi, việc xã hội hóa sách báo cho thư viện gần như không triển khai được. Học sinh thích đọc sách, báo nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu”.

Quan tâm phát triển thư viện, những năm qua ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, kiện toàn hệ thống thư viện trường học đáp ứng điều kiện theo quy định; rà soát, báo cáo số liệu, đề xuất phương án mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng. Đồng thời đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức, như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện điện tử”... Đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 152/295 trường phổ thông được công nhận danh hiệu thư viện đạt chuẩn, tiên tiến, đạt 51,53%. Trong đó cấp tiểu học có 71/140 thư viện trường học được công nhận, cấp THCS có 67/122 thư viện trường học được công nhận, cấp THPT có 14/33 thư viện trường học đạt chuẩn, tiên tiến.

Để đáp ứng nhu cầu đọc cho học sinh, Sở cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT chủ động phối hợp với Thư viện tỉnh thực hiện thí điểm luân chuyển giữa thư viện công cộng và thư viện nhà trường; phối hợp làm thẻ bạn đọc tập thể cho học sinh các trường. Đến nay đã có 12 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh tham gia thí điểm luân chuyển sách với 23 lượt luân chuyển; số lượng sách luân chuyển bình quân là 150 bản sách/điểm/lần. Sách luân chuyển đảm bảo phù hợp với tâm lý lứa tuổi, sở thích của học sinh, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tham khảo, giải trí...

Với những việc làm đó, mong rằng thư viện trường học sẽ ngày càng được quan tâm đầu tư, bổ sung tài liệu, có thêm nhiều sách mới, sách hay phục vụ học sinh. Qua đó góp phần mở rộng, nâng cao kiến thức xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật... giúp học sinh tránh xa tệ nạn xã hội và các trò chơi không thiết thực.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top