Gỡ khó khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới

14:44 - Thứ Sáu, 06/01/2023 Lượt xem: 6992 In bài viết

Thời điểm này, ngành Giáo dục đã cơ bản hoàn thành học kỳ I, năm học 2022-2023 bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó đáng chú ý là những kết quả bước đầu của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và các địa phương đang đối diện với nhiều thử thách, đòi hỏi có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng để tiếp tục triển khai ở các khối lớp còn lại.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ với học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (quận Ba Đình) về những điểm mới khi học theo chương trình mới, tháng 9-2022.         

Năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở 6 khối lớp, gồm: Lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 tại 63 tỉnh, thành phố và đồng bộ ở tất cả vùng, miền; trong đó có 3 khối lớp (lớp 3, 7, 10) triển khai năm đầu tiên. Đến thời điểm này, chương trình đã được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quá trình kiểm tra, ghi nhận tại cơ sở cho thấy, các nhà trường đều phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai chương trình mới. Đội ngũ giáo viên thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Dù vậy, ngành Giáo dục cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, trong đó hai vấn đề nổi cộm là thiếu giáo viên và cơ sở vật chất hạn chế. Nhiều nơi còn thiếu giáo viên một số môn học mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Âm nhạc, mỹ thuật (lớp 10), tin học và công nghệ (lớp 3)... Đây đều là những khối lớp triển khai chương trình năm đầu tiên. Tại các địa phương còn có tình trạng đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu; số lượng giáo viên thừa, thiếu cục bộ; chất lượng đội ngũ không đồng đều... Bên cạnh đó, không ít địa phương còn có tình trạng thiếu trường, lớp, khó khăn cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và nhiều hoạt động giáo dục khác. Tình trạng thiếu trường, lớp tập trung ở các địa bàn có khu đô thị, khu công nghiệp hoặc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngay tại Hà Nội, tổng số giáo viên còn thiếu là hơn 10.000 người, rải rác ở nhiều địa bàn. Trong đó, quận Hà Đông thiếu hơn 700 giáo viên; các quận, huyện: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Trì, Đông Anh thiếu nhiều giáo viên mầm non do trên địa bàn có thêm nhiều khu nhà ở cao tầng, việc tuyển dụng giáo viên sau dịch bệnh khó khăn...

Theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các khối lớp, cả nước cần bổ sung hơn 24.000 giáo viên ở ba môn học mới (tiếng Anh, tin học và công nghệ cấp tiểu học; môn nghệ thuật cấp trung học phổ thông). Quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học cũng đặt ra bài toán khó với các địa phương trong việc bổ sung trường, lớp và các hạng mục phụ trợ. Từ nay đến năm 2026, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương tổ chức tuyển dụng biên chế giáo viên theo chỉ tiêu đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Tổng số chỉ tiêu là 65.000 người, trong đó năm 2022 là 27.000 người. Một trong các chính sách quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai là trình Chính phủ xem xét tăng lương cho giáo viên. Bộ cũng đã trình Chính phủ tờ trình đề nghị xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo từ 25% đến 100%, trong đó đáng chú ý là đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50%, lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Ước tính có khoảng 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.

Chia sẻ về những khó khăn của nghề với nhiều đặc thù như đi sớm về muộn, cô giáo Đinh Thị Phương, Trường Mầm non Văn Phú (huyện Thường Tín) mong muốn đề xuất này sớm thành hiện thực, để thu nhập của giáo viên mầm non được cải thiện, tạo động lực gắn bó với nghề, từ đó hạn chế dần tình trạng giáo viên chuyển việc.

Để giải quyết căn bản những khó khăn hiện nay của ngành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một trong những phần việc quan trọng trong năm 2023 của bộ là xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà giáo, tạo căn cứ để xây dựng, phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ cũng ban hành chính sách đặc thù cho giáo dục về kinh phí chi thường xuyên để nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời đề nghị các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm các điều kiện triển khai chương trình mới...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top