Sa Lông nhiều lý do nghèo?

09:48 - Thứ Năm, 20/04/2017 Lượt xem: 6741 In bài viết
ĐBP - Xã Sa Lông cách trung tâm huyện Mường Chà khoảng 10km, có quốc lộ 12 đi qua, song đến nay đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở tốp đầu của huyện.

Từ nhiều năm nay, công tác xóa đói giảm nghèo ở Sa Lông luôn là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở; nhiều giải pháp phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giảm nghèo đã được thực hiện, nhưng hầu hết chưa thực sự mang lại hiệu quả. Xã có 3 dân tộc, gồm: Mông, Kinh và Xạ Phang, tập quán canh tác của bà con chủ yếu sản xuất trên nương, phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất bấp bênh. Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 74,9% (theo chuẩn nghèo mới). Ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông, cho biết: Nguyên nhân một phần do người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; sản phẩm nông nghiệp làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp, đường giao thông đến các bản khó khăn... đã trở thành những yếu tố níu chân sự phát triển.

 

Siêng năng, cần cù nhưng đời sống người dân xã Sa Lông vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Người dân bản Sa Lông 1, xã Sa Lông trồng ngô trên nương.

Bản Thèn Pả cách UBND xã Sa Lông hơn 9km, giao thông đi lại khó khăn với nhiều đoạn đường khi lầy lội, đoạn thì lởm chởm đá. Bản Thèn Pả là nơi sinh sống của 60 hộ dân tộc Xạ Phang. Mặc dù hàng năm, bà con ở đây vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về: nhà ở, vốn, giống cây trồng, vật nuôi; được định hướng, vận động phát triển kinh tế... nhưng vẫn kém phát triển do trình độ dân trí hạn chế, người dân ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cơ bản là nhận hỗ trợ, sử dụng hết, với các mô hình hỗ trợ sinh kế thì khi mô hình trình diễn kết thúc là... xong! Người dân chờ tiếp đợt hỗ trợ khác. Vì vậy, việc tiếp thu kiến thức mới để áp dụng vào sản xuất rất hạn chế, đời sống của dân bản phụ thuộc chủ yếu vào làm nương; chăn nuôi còn manh mún, chưa có sản phẩm hàng hóa. Ông Si A Vần, Trưởng bản Thèn Pả, chia sẻ: Cả bản hầu hết đều là hộ nghèo. Chỉ có một số hộ tu chí làm ăn, phấn đấu thoát khỏi cảnh đói nghèo, còn lại nhiều hộ vẫn mong chờ Nhà nước tiếp tục hỗ trợ.

Ngoài những khó khăn về: giao thông cách trở, trình độ nhận thức bà con hạn chế, tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước... thì năng lực của cán bộ cơ sở cũng ảnh hưởng lớn tới kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ xã Sa Lông đã có nhiều cố gắng tuy nhiên trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và yêu cầu ngày càng cao trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế, quản lý hành chính, xây dựng nông thôn mới hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở Sa Lông còn bộc lộ những hạn chế.

Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại xã Sa Lông việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, được lãnh đạo xã báo cáo: Hiện nay cả xã mới có 1 người có trình độ đại học, còn hầu hết là bậc tiểu học và trung học cơ sở; lý luận chính trị và kỹ năng quản lý cơ bản thì nhiều cán bộ chưa được đào tạo; ngay cả Bí thư Đoàn xã mới tốt nghiệp tiểu học.

Năng lực cán bộ hạn chế ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của xã bởi nhiều chương trình, dự án cấp xã có thẩm quyền làm chủ đầu tư nhưng do năng lực yếu nên chưa được các cấp, ngành chức năng giao làm chủ đầu tư. Điển hình, Chương trình 135 tăng cường phân cấp, giao quyền làm chủ đầu tư cho cấp xã. Tuy nhiên, do trình độ năng lực hạn chế, nên đến nay xã Sa Lông vẫn chưa được giao quyền làm chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chưa kể nhiều cán bộ không nắm vững các chương trình, mục tiêu triển khai tại địa phương; nguồn vốn phân bổ về cho xã là bao nhiêu, cả cán bộ chủ chốt lẫn cấp dưới đều không nắm được...

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã Sa Lông nói riêng, các xã khác trên địa bàn nói chung, huyện Mường Chà cần xác định cụ thể tình hình, đặc điểm của từng cơ sở từ đó có hướng giải pháp khắc phục, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở. Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách trước mắt, nhưng cũng là nhiệm vụ lâu dài, không thể nóng vội, chủ quan duy ý chí. Chất lượng cán bộ cơ sở đảm bảo mới thực hiện tốt việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về công tác xóa đói, giảm nghèo. Từ đó tạo sự thống nhất giữa chính quyền và người dân để khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top